Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Đại diện Công ty TNHH K, ở Châu Thành - Long An

° Công ty chúng tôi ký hợp đồng mua của Công ty CatDox (Mỹ) một số thiết bị phục vụ công trình xây dựng văn phòng làm việc. Trong dự thảo hợp đồng do phía đối tác đưa ra có điều khoản quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng là Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore. Chúng tôi mới ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài nên chưa có kinh nghiệm về vấn đề này. Xin hỏi điều khoản này có ý nghĩa gì và chúng tôi cần phải quan tâm những nội dung gì đối với điều khoản này? (Đại diện Công ty TNHH K, ở Châu Thành - Long An)

Trọng tài thương mại là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp thường được lựa chọn trong thương mại quốc tế. Hợp đồng của Công ty TNHH K với Công ty CatDox là hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài nên các bên có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài thương mại của Việt Nam hoặc của nước ngoài để giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận này nhằm:

Thứ nhất, Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore là trung tâm trọng tài thành lập theo pháp luật Singapore và hoạt động tại lãnh thổ Singapore. Ở Việt Nam cũng có Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam trực thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trụ sở chính tại Hà Nội. Về bản chất, hai trung tâm trọng tài này là tương tự nhau.

Thứ hai, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận của các bên chủ thể quan hệ. Điều này có nghĩa là để Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai công ty nên các bên có quyền thỏa thuận chọn bất kỳ trung tâm trọng tài nào để giải quyết. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập thành một văn bản riêng hoặc thể hiện dưới hình thức một điều khoản của hợp đồng.

Thứ ba, Công ty K hoàn toàn có quyền quyết định việc đồng ý hay không đồng ý với đề xuất của Công ty CatDox và cũng hoàn toàn có quyền đề xuất một trung tâm trọng tài khác (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chẳng hạn) hoặc một cơ quan tài phán khác là cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng. Tất cả mọi vấn đề có liên quan đến điều khoản này đều phải được sự đồng ý của hai bên.

Thứ tư, trong trường hợp Công ty K đồng ý chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore là cơ quan giải quyết tranh chấp thì cần chú ý các vấn đề sau đây:

- Quy tắc tố tụng trọng tài: Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn quy tắc tố tụng áp dụng để giải quyết tranh chấp cũng như tự do thay đổi các nội dung của quy tắc tố tụng trọng tài đã được lựa chọn. Như vậy, giữa Công ty TNHH K và Công ty CatDox cần thỏa thuận lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài nào sẽ được áp dụng. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được, Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore sẽ quyết định quy tắc tố tụng áp dụng cho vụ tranh chấp. Cần chú ý, khi thỏa thuận chọn quy tắc tố tụng trọng tài, phải tính đến các quy định bắt buộc của pháp luật Singapore cũng như những quy định có thể vi phạm trật tự công cộng của Singapore vì điều này có thể ảnh hưởng đến việc công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài sau này.

- Các bên cũng cần phải thống nhất chọn luật áp dụng điều chỉnh các vấn đề: Luật áp dụng cho nội dung tranh chấp (để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng); luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài (để xem xét tính hiệu lực của thỏa thuận trọng tài); luật áp dụng cho tố tụng trọng tài (để xem xét tính phù hợp của quy tắc tố tụng trọng tài sẽ được áp dụng). Đặc biệt cần chú ý luật áp dụng cho nội dung tranh chấp vì đây là cơ sở pháp lý xem xét mức độ hoàn thành nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng.

- Vấn đề thi hành phán quyết của trọng tài: Trong trường hợp việc thi hành phán quyết của trọng tài phải tiến hành tại Singapore, phải chú ý các quy định của pháp luật Singapore về vấn đề này. Trong trường hợp việc thi hành phán quyết của trọng tài phải tiến hành tại Việt Nam, cần xem xét các quy định có liên quan trong Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011).

ThS Bành Quốc Tuấn (Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật)

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08)39294072 - 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục