Tư vấn kinh tế - pháp luật

- Tôi cùng ba người bạn khác là ông Hồng, bà Diệu và bà Lan thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty TNHH Đại Phát, chuyên gia công, lắp ráp nhà tiền chế và trang trí nội thất. Mỗi người góp 250 triệu đồng. Vốn điều lệ của công ty là 1 tỷ đồng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 21-9-2006. Tuy nhiên vốn thực góp của mỗi người cho đến thời điểm hiện nay là 200 triệu đồng. Chúng tôi thống nhất để ông Hồng làm giám đốc công ty kiêm chủ tịch HĐTV, bà Lan phụ trách kế toán, bà Diệu do đang làm việc ở công ty khác nên để chồng là ông Đạo làm quản đốc xưởng, tôi làm phó giám đốc kiêm phó chủ tịch HĐTV.

Từ khi thành lập đến nay công ty làm ăn phát đạt, ký được rất nhiều hợp đồng kinh doanh. Nhìn chung là hoạt động có lãi nhưng ông Hồng không công khai tài chính, báo cáo tình hình hoạt động của công ty. Do chỗ bạn bè thân tình nên chúng tôi cũng chỉ họp để thống nhất chia lãi mà không xem tình hình hoạt động của công ty như thế nào.

Tuy nhiên đến đầu năm 2010, sau nhiều lần yêu cầu họp HĐTV để xem xét tình hình hoạt động kinh doanh cũng như phương hướng của công ty nhưng không được Chủ tịch HĐTV chấp nhận, tôi và ông Đạo đã xin nghỉ việc. Đến tháng 3-2010 bà Lan không chịu được thái độ của ông Hồng nên cũng đã nghỉ việc. Sau đó chúng tôi có yêu cầu ông Hồng họp HĐTV nhưng ông không đồng ý và đưa cho ba chúng tôi mỗi người 200 triệu đồng nói rằng đó là tiền lãi phần vốn góp của mỗi người. Chúng tôi có ký tờ biên nhận nhận tiền lãi có in logo và đóng dấu công ty. Sau đó, đến tháng 5-2010 chúng tôi tiếp tục yêu cầu ông Hồng họp HĐTV để yêu cầu rút vốn và tính toán chia phần lãi suốt từ thời gian thành lập công ty đến nay (thời điểm tháng 9-2011).

Đáp lại yêu cầu đó, chúng tôi nhận được giấy triệu tập từ tòa án. Qua tìm hiểu được biết ông Hồng đã khởi kiện chúng tôi rút vốn rồi mà vẫn còn tiếp tục đòi lại phần vốn, có ý đồ phá quấy công việc kinh doanh của công ty. Pháp luật doanh nghiệp quy định như thế nào về trường hợp này? Chúng tôi phải làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

>> Vấn đề bà nêu ra thật phức tạp do công ty của bà đã vi phạm quá nhiều quy định trong Luật Doanh nghiệp và những vi phạm này kéo dài. Những sai phạm đó là: không góp đủ vốn điều lệ theo quy định, không thông báo tình hình góp vốn cho cơ quan đăng ký kinh doanh và không triệu tập được cuộc họp HĐTV mà không có hướng xử lý.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bà và bà Lan, bà Diệu vẫn đang là thành viên công ty. Tổng tỷ lệ vốn mà các bà đang nắm giữ là 75% vốn điều lệ. Với tỷ lệ vốn này các bà có thể tiến hành họp HĐTV mà không cần sự có mặt của ông Hồng (theo Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 2005).

Trong cuộc họp các bà phải thống nhất được hướng xử lý. Một là, nếu bà và các bạn bà muốn tiếp tục quản lý kinh doanh công ty thì phải ra nghị quyết miễn chức giám đốc kiêm chủ tịch HĐTV của ông Hồng, yêu cầu bàn giao con dấu cùng toàn bộ sổ sách, giấy tờ của công ty. Hai là, nếu các bà vẫn muốn rút vốn thì đề nghị ông Hồng mua lại toàn bộ phần vốn góp hoặc tiến hành giải thể và phân chia tài sản. Cuộc họp phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên.

Nay được biết ông Hồng đã khởi kiện ra tòa thì các bà nên tham dự đầy đủ phiên xử, đồng thời đưa ra các minh chứng như: Công ty làm ăn có lãi, việc nhận 200 triệu đồng từ công ty là khoản tiền lãi chứ không phải tiền vốn. Ông Hồng cho rằng đó là tiền vốn thì ông ta phải có bằng chứng chứng minh việc chuyển nhượng phần vốn đó đã chuyển cho ai, chuyển khi nào...

Đào Thị Thu Hằng (Khoa Luật – ĐH Kinh tế Luật)

Tin cùng chuyên mục