Từ vụ bé gái 3 tuổi bị bạo hành: Tăng cường bảo vệ và chăm sóc trẻ em

LTS: Ngày 8-9-2021, Bộ LĐTB-XH và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn các tác động tiêu cực của đại địch Covid-19 đến trẻ em. Sau vụ án hành hạ cháu bé 8 tuổi dẫn đến tử vong, mới đây nhất, vụ việc một người thân trong gia đình đóng đinh vào đầu cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội khiến dư luận rất bất bình. Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Từ vụ bé gái 3 tuổi bị bạo hành: Tăng cường bảo vệ và chăm sóc trẻ em

Ông BÙI VĂN AN - 388/6 Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM: Không thể chấp nhận được

Hôm qua đến giờ, tôi liên tục theo dõi thông tin trên các báo cũng như mạng xã hội về vụ cháu gái Đ.N.A. (3 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) nghi bị bạo hành khi có nhiều chiếc đinh cắm trong đầu. Mỗi ngày thông tin về tình hình của cháu dần rõ ràng hơn, khiến tôi càng phẫn nộ. Không thể tưởng tượng được cháu bé 3 tuổi đã làm gì nên tội mà bị đối xử tàn nhẫn như vậy. Trẻ em là đối tượng cần được thương yêu, đối xử một cách tốt nhất. Dù các cháu có nghịch ngợm, phá phách thì người lớn cần phân tích và hướng dẫn để cháu nhận thức đúng sai, chuyện gì được làm, không được làm. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ làm sáng tỏ vụ việc để xử lý thích đáng người đã bạo hành với bé. 

TS, Luật sư NGUYỄN TRỌNG TUẤN - Phó trưởng Khoa Luật Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Hành vi cực kỳ nguy hiểm

Thông tin về bé gái Đ.N.A. trong những ngày qua thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Có thể nói, hành động gây tổn thương cho bé là hành vi cực kỳ nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe tinh thần của bé… khiến dư luận căm phẫn. 

Về mặt pháp lý, tôi cho rằng hành vi gây tổn thương cho bé A. có dấu hiệu phạm tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017. Đặc biệt, hành vi này có thể bị truy tố ở khung tăng nặng theo điểm i, điểm m, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 - đó là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi và dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội. Hành vi này có thể bị truy tố với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Do đó, tôi đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật của Hà Nội, đặc biệt là Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội sớm khởi tố vụ án để điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, từ đó truy tố và sớm đưa ra xét xử hành vi phạm tội trước pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ quyền trẻ em. 

Th.S TRẦN NAM - Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn ĐH Quốc gia TPHCM: Làm tốt công tác giám sát từ cộng đồng

Thông tin về bé gái Đ.N.A. 3 tuổi bị bạo hành một lần nữa cho chúng ta thấy rằng công tác bảo vệ quyền trẻ em đang có rất nhiều vấn đề bất cập. Do đó, chúng ta cần có giải pháp khác, cách tiếp cận khác. Chúng ta cần đổi cách tiếp cận, rằng cộng đồng phải là trung tâm của các hoạt động giám sát, từ đó chính quyền tương ứng đưa ra các công cụ hỗ trợ, công cụ pháp lý để đảm bảo các quyền của trẻ em được thực thi vô điều kiện. Nhà nước cần đầu tư hiệu quả cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội ở cấp xã, phường. Đây là mấu chốt của mọi vấn đề để bảo vệ các nhóm người yếu thế. Nếu làm tốt và tạo được sự giám sát chặt chẽ từ cộng đồng thì những hành vi bạo hành, ngược đãi với trẻ em, những người yếu thế sẽ được triệt tiêu. 

Bà NGUYỄN THỊ ÁI MỸ - xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai: Luôn quan tâm đến các biểu hiện bất thường

Vừa qua, dư luận rất bức xúc với việc bạo hành con trẻ. Dù xuất phát từ các động cơ khác nhau, nhưng chủ yếu là từ việc không yêu thương con trẻ, dẫn đến có những hành động xúc phạm thân thể của các cháu và vượt quá giới hạn cho phép. 

Vì nhiều lý do khác nhau, con trẻ sinh ra có đứa ngờ nghệch, có trẻ thông minh. Tính khí mỗi đứa mỗi khác. Có cháu rất ngoan, nhưng cũng không ít cháu rất tinh nghịch, không nghe lời. Đối với những trường hợp như vậy, các bậc làm cha, làm mẹ phải có cách giải quyết kiên trì, cụ thể khác nhau. Nhưng tựu trung là phải thương yêu đúng mực, và phải biết kềm chế cảm xúc để không sử dụng roi vọt, la mắng. Đặc biệt là phải luôn quan tâm đến các biểu hiện bất thường của trẻ. Khoa học ngày nay tiến bộ rất nhiều. Có nhiều lớp chuyên biệt cho trẻ bị khuyết tật về giọng nói hay điều chỉnh mắt. Không ít trường chuyên biệt dạy trẻ bị ức chế tâm lý hay trầm cảm. Nếu phụ huynh phát hiện kịp thời và đưa các cháu đến cơ sở giáo dục kể trên thì sẽ giúp các cháu sớm hòa nhập với cộng đồng, với thế giới tuổi thơ hồn nhiên của trẻ…

Cuối cùng, chúng tôi luôn mong bà con lối xóm phát huy tính giám sát của mình. Khi phát hiện trẻ bị bạo hành thì tiếp cận với phụ huynh để khuyên giải. Nếu ngại va chạm, cần thông báo kịp thời cho các đoàn thể, chính quyền địa phương để tránh tối đa các vụ việc đau lòng như vừa qua.

Tin cùng chuyên mục