Từ vụ kiện “Trà - Chanh”: Lỗ hổng pháp luật

Luật đi sau cuộc sống
Từ vụ kiện “Trà - Chanh”: Lỗ hổng pháp luật

Phiên tòa xét xử vụ kiện ca sĩ Phương Thanh đòi nhà báo Hương Trà xin lỗi công khai vì đã viết hai bài trên blog (nhật ký điện tử cá nhân) Cogaidolong bôi xấu mình đã kết thúc. Kết quả, ca sĩ Phương Thanh bị xử thua kiện cho thấy quy định của pháp luật về vấn đề quản lý môi trường mạng còn nhiều lỏng lẻo.

Luật đi sau cuộc sống

Từ vụ kiện “Trà - Chanh”: Lỗ hổng pháp luật ảnh 1
Phương Thanh và luật sư trước khi phiên tòa khai mạc. Ảnh: Vũ Mai (Nguồn VnExpress)

Phát biểu bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình là ca sĩ Phương Thanh, luật sư Nguyễn Văn Hậu và luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường viện dẫn quy định tại các điều 9, 12, 21, 36 Luật Công nghệ thông tin (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007) để chứng minh nhà báo Hương Trà đã vi phạm pháp luật trong việc tự ý viết về ca sĩ Phương Thanh mà không hề xin phép nhân vật của mình; những thông tin trong bài viết không đúng sự thật, xúc phạm đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của ca sĩ Phương Thanh.

Tuy nhiên, với nhận định rằng chưa đủ cơ sở kết luận hai bài viết trên blog Cogaidolong là viết về ca sĩ Phương Thanh, cũng như các sự kiện nêu trong bài viết thể hiện đúng sự việc đã xảy ra tuy từ ngữ trong bài nặng nề làm người đọc hiểu sự việc xấu thêm, Hội đồng xét xử đã bác yêu cầu xin lỗi công khai trên báo chí của nguyên đơn. Là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam liên quan đến thông tin trên blog, mọi người đều trông chờ phán quyết của tòa án như là một án lệ cho những vụ tương tự sau này.

Vậy mà cuối cùng nạn nhân của blog lại bị thua kiện! Khó trách được Hội đồng xét xử bởi các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực này còn quá sơ sài, không đủ cụ thể, chi tiết để tòa án dựa vào đó mà ra phán quyết. Điều đáng nói là vấn đề quản lý blog, quản lý Internet đã được đặt ra cách đây mấy năm nhưng đến giờ hầu như không thể thực hiện được.

Ngay như Luật Công nghệ thông tin – văn bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh sát với mảng này nhất – mà trong phần xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin cũng chỉ nêu chung chung: “Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, bị đình chỉ hoạt động hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Điều 77). Còn Bộ luật Hình sự thì chưa bổ sung điều khoản về loại tội phạm này. Nghĩa là sau 12 năm kể từ khi Internet chính thức xuất hiện ở Việt Nam, “hàng rào bảo vệ” cho cư dân trên mạng vẫn còn quá lỏng lẻo.

Nguy hại thật từ thế giới ảo

Với sự bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin, các trang web, forum, blog được lập ra ngày càng nhiều. Những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng cá nhân sử dụng trang web, forum để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, truyền bá tư tưởng chống phá nhà nước. Nghiêm trọng hơn là việc không ít cá nhân ngang nhiên sử dụng trang web để phát tán các đoạn phim sinh hoạt riêng tư, các hình ảnh dâm ô của người khác, gây tác động rất xấu về mặt xã hội (cụ thể như vụ diễn viên Yến Vy, diễn viên Hoàng Thùy Linh, ca sĩ Hồng Nhung bị tung phim, hình sex lên mạng).

Những vụ này cho đến nay đều bị “chìm xuồng” vì không có chế tài xử lý. Bây giờ lại xuất hiện hình thức sử dụng blog của mình để sỉ nhục, xúc phạm người khác dưới dạng phiếm chỉ. Thế giới ảo đã gây nguy hại thật sự, khiến xã hội đang rất bức xúc. Trong “vụ kiện Trà – Chanh”, dù bác yêu cầu của nguyên đơn nhưng Hội đồng xét xử cũng nhắc nhở bị đơn: “Với công nghệ Internet hiện nay, mọi thông tin trên blog có thể đến với bất cứ cư dân mạng nào cho dù họ ở bất cứ đâu với tốc độ cực nhanh, và có ảnh hưởng không kém bất kỳ loại hình báo chí nào nên các blogger phải có ý thức về bài viết của mình”. Trong tình hình này, yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn ngừa và xử lý thích đáng các hành vi lợi dụng Internet để phạm tội lại càng trở nên cấp thiết.

Để kết bài viết này, chúng tôi muốn liên hệ một vụ việc vừa xảy ra ở Hồng Công: một kẻ giấu mặt đã tung hình sex của nam diễn viên Trần Quán Hy và nhiều nữ nghệ sĩ khác lên mạng. Hiện nay cảnh sát đang truy tìm đối tượng phát tán, mua bán những tấm ảnh này. Theo luật pháp Hồng Công, nếu bị bắt và kết tội, đối tượng đó sẽ phải chịu mức án tối đa là 2 năm tù. Pháp luật ở xứ người mạnh tay là thế, sao ở Việt Nam vẫn chưa xử lý răn đe được những hành vi phạm tội qua mạng Internet?

Ái Chân

Tin cùng chuyên mục