Mới đây, sau khi Bộ Y tế vào cuộc kết luận “làng mù” ở vùng trồng hành tím Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) nguyên nhân không phải do hành mà do tự ý điều trị mắt không đúng cách dẫn đến viêm giác mạc, dư luận không khỏi băn khoăn vì tình trạng này hiện nay khá phổ biến. Hễ ngứa mắt, đỏ mắt, cay mắt, mỏi mắt… là nhỏ thuốc “lung tung” mà không hề có chỉ định của bác sĩ.
Tràn lan thuốc nhỏ mắt
Là nhân viên văn phòng, ngày nào chị Phương (quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng ngồi dán mắt lên màn hình máy vi tính liên tục từ 5 - 6 tiếng tại công ty. Chưa hết, về nhà chị lại lướt facebook, vào các trang website để đọc tin tức, tán gẫu với bạn bè. Vì vậy mà hầu như ngày nào đôi mắt chị Phương cũng mỏi mệt, có khi chảy nước mắt liên tục. Tuy nhiên, nghĩ rằng do làm việc nhiều nên mắt mệt mỏi, chị Phương thường ra các hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ. “Mỗi lần nhỏ 3 - 4 hôm là đỡ, sau đó mấy tuần lại bị. Cứ như vậy hoài cả 2 năm nay. Nhưng bây giờ thì mắt cứ sưng húp, đau, đỏ và xốn”, chị Phương cho biết khi vừa bước ra từ phòng khám của Bệnh viện Mắt TPHCM…
Theo một bác sĩ phòng khám Bệnh viện Mắt TPHCM thì tình trạng như chị Phương rất phổ biến, có nhiều trường hợp nặng hơn. “Điều này một phần do trên thị trường, các loại thuốc nhỏ mắt khá phong phú, dễ mua, dễ sử dụng và hiệu quả tức thì”, vị bác sĩ ngán ngẩm nói.
Quả thực, hiện thị trường “loạn” các loại thuốc nhỏ mắt khác nhau, từ thuốc làm dịu mắt, bổ dưỡng đến loại đặc biệt như làm chậm đục thủy tinh thể, trị tăng nhãn áp... Với giá cả dao động trung bình từ 3.000 đồng/lọ cho tới 200.000 đồng/lọ, có thể dễ dàng mua các loại thuốc nhỏ mắt với nhiều nhãn hàng từ ngoại nhập đến sản xuất trong nước. Điều đáng nói, theo các chuyên gia y tế, hầu hết các loại thuốc nhỏ mắt đều có chứa kháng sinh kết hợp với corticoid (tổ hợp hoạt chất hóa học dùng nhiều trong thuốc chữa bệnh).
Khám mắt cho người bệnh
Gần đây nhất, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đình chỉ và thu hồi một loạt thuốc không đảm bảo chất lượng, trong đó có thuốc nhỏ mắt Dexacol. Trước đó, tháng 3-2015, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tiến sĩ Trương Quốc Cường, cũng yêu cầu rút số đăng ký, thu hồi khẩn 2 loại thuốc nhỏ mắt (Zymar, Efticati) vì chứa chất cấm Gatifloxacin. Chất Gatifloxacin thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người.
Coi chừng mù
Theo các chuyên gia Bệnh viện Mắt TPHCM, có nhiều bệnh nhân khi đến khám đã ở mức “ghiền” thuốc nhỏ mắt. “Hầu hết trong số họ đã tự ý chữa trị tại nhà, lâu ngày và đến khi đi khám mắt đã bị nặng như viêm giác mạc, sưng mắt, đỏ mắt, loạn thị”, một bác sĩ cho biết.
Ghi nhận cho thấy thuốc nhỏ mắt giúp mắt được thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng mệt mỏi, mắt sẽ không bị khô. Một chuyên gia về mắt cho biết, một số thuốc nhỏ mắt tuy không cần kê đơn như muối sinh lý Natri clorid, nước mắt nhân tạo 0.9 %, nhưng sử dụng trong thời gian dài cũng gây ảnh hưởng mắt. Còn lại phần lớn là loại có kê đơn, nếu dùng không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho mắt, khiến mắt bị giảm thị lực, khô và giãn đồng tử, niêm mạc rộng.
Theo TS-BS Vũ Tuấn Anh (Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Mắt Trung ương), đa phần bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc… dẫn đến viêm loét giác mạc. Tuy nhiên, khi gặp tình trạng này, người dân không đến các cơ sở y tế mà tiếp tục mua thuốc về tự điều trị làm bệnh diễn biến nặng, gây sẹo giác mạc và giảm thị lực, dẫn đến mù lòa. Nhiều trường hợp đến bệnh viện là nạn nhân của lạm dụng thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là thuốc có thành phần corticoid. “Corticoid thuộc nhóm steroid là chất kháng viêm rất mạnh, dùng đúng chỉ định sẽ đem lại kết quả rất tốt trong điều trị. Nếu phải nhỏ trong một thời gian dài, nhất thiết phải có sự theo dõi của bác sĩ”, TS Tuấn Anh khuyến cáo.
Theo chuyên gia về mắt Lê Thị Thanh Xuyên (Bệnh viện Mắt TPHCM), những thuốc nhỏ mắt thường chứa corticoid, có tác dụng giảm đỏ mắt rất nhanh, nhưng bên cạnh đó cũng gây những tác dụng phụ rất nguy hiểm, nếu sử dụng lâu dài có thể gây đục thủy tinh thể, thậm chí mù mắt vĩnh viễn. Về lĩnh vực nhãn khoa, tác dụng phụ của corticoid sẽ kéo dài rất lâu sau khi ngưng thuốc, thậm chí không có khả năng hồi phục.
Bà Xuyên khuyến cáo để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi mắt bị đỏ, cần đến bác sĩ chuyên khoa ngay để được khám, chẩn đoán chính xác và cho thuốc đúng bệnh. Nếu bác sĩ có kê toa cho dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid thì việc tái khám là bắt buộc, vì khi tái khám bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng bệnh và có chỉ định tiếp theo. Không nên tự ý dùng toa thuốc cũ nhỏ liên tục vì sẽ gây tình trạng lạm dụng thuốc và để lại nhiều hậu quả nặng nề.
|
TƯỜNG LÂM