Trong quá khứ, một lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp thủy sản chưa đầu tư đúng mức cho “sân nhà” là giá hàng thủy sản xuất khẩu thường cao hơn khi bán trong nước. Khi xuất khẩu cá da trơn thiếu ổn định và bấp bênh, việc tìm về thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng. Muốn phát triển thị trường nội địa, doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm các da trơn.
Đại học Cần Thơ vừa hoàn thành một nghiên cứu phân tích hành vi người tiêu dùng cá da trơn, tập trung ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TPHCM. Theo đó, người có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên quan tâm nhiều nhất đến chất lượng, nguồn gốc cá sạch, thông tin sản phẩm, vẻ bề ngoài tốt, đồng thời chấp nhận giá mua cao. Người thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm…
Nghiên cứu còn cho thấy, 3 tiêu chí quyết định mua cá da trơn của người tiêu dùng nội địa là: giá bán (96,43%), sự thuận tiện (91,43%), cảm giác ngon (85,71%). Động cơ mua cá da trơn cũng bị ảnh hưởng bởi đặc điểm của từng địa phương, mục đích mua và chủng loại sản phẩm. Người tiêu dùng ở Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho rằng giá bán cá da trơn là quan trọng nhất, trong khi đó TPHCM không quan tâm đến giá bán mà chú trọng tiêu chí chất lượng sản phẩm và yếu tố an toàn thực phẩm, điểm mua thuận tiện...
Theo TS Đỗ Văn Xê, Hiệu phó Trường ĐH Cần Thơ, mức độ hiện đại của kênh phân phối cũng ảnh hưởng mạnh đến cách chọn cá da trơn của người tiêu dùng nội địa. Chẳng hạn, người tiêu dùng ở TPHCM rất thích mua cá da trơn tại các siêu thị, trong khi đó người tiêu dùng tại Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long lại thích mua cá da trơn tại các chợ gần nhà. Nghiên cứu cũng cho thấy, vùng có số hộ nuôi cá basa càng nhiều, người tiêu dùng có nhu cầu càng ít. Trong đó, 75% số người được khảo sát ở TPHCM, 62,5% người tiêu dùng tại Cần Thơ thích mua cá basa nhiều hơn cá tra. Tỷ lệ người tiêu dùng mua cá basa giảm dần theo từng địa bàn: Vĩnh Long 25%, Đồng Tháp 15% và An Giang 12,5%.
CAO PHONG