Tương lai của sách điện tử

Sáng 15-12 tại TPHCM, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Sách điện tử và xuất bản, phát hành sách điện tử”. Hội thảo đã tập trung đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, các đơn vị làm sách, nhà phát hành và kể cả các đơn vị công nghệ. Thực trạng của sách điện tử (ebook) ở Việt Nam đã được nêu ra và tương lai của ebook cũng được nhắc đến nhưng sự lo ngại nhiều hơn là hy vọng.
Tương lai của sách điện tử

Sáng 15-12 tại TPHCM, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Sách điện tử và xuất bản, phát hành sách điện tử”. Hội thảo đã tập trung đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, các đơn vị làm sách, nhà phát hành và kể cả các đơn vị công nghệ. Thực trạng của sách điện tử (ebook) ở Việt Nam đã được nêu ra và tương lai của ebook cũng được nhắc đến nhưng sự lo ngại nhiều hơn là hy vọng.

Chi phí cao

Dù từng trông chờ sẽ mang đến một sự đột phá cho ngành xuất bản Việt Nam thế nhưng sau hơn 3 năm chính thức phổ biến, thị trường ebook trong nước vẫn èo uột và hầu như không có đơn vị nào thành công, ít nhất về mặt doanh thu.

Đánh giá về thực trạng ebook, các chuyên gia trong lĩnh vực đều thừa nhận đang có mâu thuẫn lớn trong việc phát triển loại hình xuất bản mới này. Việt Nam được đánh giá có nền tảng thuận lợi để ebook phát triển khi có đến 40% dân số sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay thông minh, có thể dùng để đọc ebook. Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật dành riêng cho ebook khi Luật Xuất bản 2013 dành hẳn 1 chương cho loại sách này. Có dân số trẻ, đối tượng dễ dàng tiếp nhận ebook nhất hiện nay, nghĩa là có nguồn khách hàng dồi dào. Điều kiện thuận lợi như vậy nhưng ebook Việt lại có sự phát triển rất chậm chạp. Hiện nay, những đơn vị sở hữu nhiều đầu ebook nhất như Alezza cũng chỉ có chừng 10.000 đầu sách, trong đó đa số là các loại sách dạy ngoại ngữ, hướng nghiệp… Các đơn vị có nguồn sách được nhiều bạn đọc quan tâm như NXB: Chính trị Quốc gia, Sự thật, Trẻ, Tổng hợp TPHCM… nhưng lượng ebook cao nhất cũng chỉ 2.000 - 3.000 tựa sách, thậm chí có đơn vị chỉ sở hữu khoảng hơn 100 ebook. Lý do, theo đại diện NXB Trẻ, tất cả nằm ở chi phí khi việc số hóa đúng chuẩn cho một cuốn sách khá cao, trung bình khoảng trên dưới 1 triệu đồng/cuốn. Như vậy, để có được 2.000 - 3.000 cuốn phải cần tới 2-3 tỷ đồng, vượt ngoài khả năng của hầu hết các NXB trong nước hiện nay. Thực tế ngay cả các NXB lớn cũng khó chi ra một số tiền như vậy để đầu tư cho ebook và chỉ chủ yếu lấy từ nguồn bản thảo sách mới xuất bản, vốn được hoàn thiện sẵn dưới dạng số nên không tốn chi phí số hóa.

Bạn đọc trẻ và sách điện tử

Ngay tại hội thảo, ông Hồ Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty Naiscorp, chuyên về số hóa và lưu trữ điện tử, cung cấp thông tin “nóng” rằng, đơn vị của ông đang có chính sách hỗ trợ số hóa 10.000 đầu sách đầu tiên miễn phí cho các đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, ngay lập tức ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, thẳng thắn tuyên bố: “Nói thật, tôi không tin”. Theo ông Nhựt, ở đây không phải vấn đề kinh doanh hay yếu tố cá nhân mà là vấn đề bảo vệ bản quyền. Ngay cả sách giấy với muôn vàn biện pháp bảo vệ mà trải qua nhiều năm như vậy vẫn không thể xử lý được vấn đề sách lậu thì ebook, vốn rất dễ sao chép càng trở nên khó khăn hơn. Chỉ cần có trong tay dữ liệu số hóa gốc thì hoàn toàn có thể chỉnh sửa, thay thế hay chèn các thông tin khác vào.

Giải pháp trung gian

Lo lắng trên không phải của riêng NXB Trẻ. Thực tế hiện nay thị trường ebook Việt đang vô cùng manh mún. Các nhà phát hành có công nghệ, năng lực kỹ thuật nhưng lại không có sách hay, hấp dẫn. Các NXB, đơn vị làm sách có sách hay nhưng điều kiện kỹ thuật, năng lực phát hành hạn chế. Ai cũng biết cần có sự phối hợp, liên kết giữa nhà làm sách với người phát hành (như với sách giấy) nhưng chẳng ai dám giao ebook cho các nhà phát hành. Mà sự nghi ngờ này cũng không phải không có căn cứ, thậm chí ông Nguyễn Minh Nhựt còn nêu ví dụ cụ thể, có nhà phát hành ebook còn đến gặp một nhà văn đã ký bản quyền với NXB Trẻ tìm cách “câu kéo” để mua tác phẩm của tác giả này với những ưu đãi rất hấp dẫn, như dù sách có bán được hay không thì mỗi tháng tác giả đều nhận được một khoản tiền lớn. Trong tình hình như vậy thật khó mà có lòng tin giữa người làm ebook và người bán ebook và kết quả là mạnh ai nấy làm.

Ngay cả các nhà phát hành ebook cũng thừa nhận thực tế này và chính họ cũng không thể đảm bảo tuyệt đối việc bảo vệ bản quyền. Chính vì thế, các nhà phát hành đang tìm giải pháp cho tình hình hiện nay và một trong những biện pháp được xem là có tương lai nhất là việc người phát hành đứng vai trò trung gian bán ebook. Theo ông Hồ Minh Đức, người phát hành sẽ chỉ nắm giữ tên sách, hình ảnh cùng những miêu tả cơ bản; khi bạn đọc cần mua sẽ được tự động chuyển đến đơn vị làm sách. Như vậy nguồn sách vẫn nằm trong tay người làm sách, tránh tình trạng vi phạm bản quyền có thể xảy ra. Biện pháp trên dù còn nhiều khuyết điểm như vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật cần có sự thống nhất, trong khi hiện nay mỗi đơn vị dùng một tiêu chuẩn khác nhau, chi phí chiết khấu hay việc thiếu hụt đầu sách mới do cách làm trên không giải quyết được nhu cầu số hóa hiện nay… Tuy nhiên, đây vẫn được xem là biện pháp khả thi, có hiệu quả nhất trong việc phát triển ebook hiện nay .

Một vấn đề được chú ý tại hội thảo là quảng cáo, vốn gây nhiều tranh cãi ở mảng sách giấy, từ việc quảng cáo có được phép hay không đến tính hiệu quả, giá trị đối với người đọc… Thế nhưng, với sách điện tử, quảng cáo thực sự mang lợi ích rất lớn cả cho người làm sách lẫn người đọc. Với sách giấy, quảng cáo chỉ có thể in 1 lần, nếu muốn thay đổi phải đợi lần tái bản sau. Việc quảng cáo cũng rất khó khăn do không thể dự đoán trước lượng sách bán ra, ai sẽ đọc nhiều… Với ebook mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Quảng cáo có thể thay đổi theo thời gian, thay đổi theo đánh giá về bạn đọc… Với bạn đọc họ có thể lựa chọn đọc bản sách không có quảng cáo hay đọc có quảng cáo với giá sách sẽ rẻ hơn, thậm chí có thể miễn phí do nhà làm sách thu lợi từ quảng cáo.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục