(SGGP).– Trong 2 ngày qua, dư luận tiếp tục quan tâm đến bức tường thành Đại La tại khu vực thi công đường Văn Cao - Hồ Tây, đoạn cắt đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Về vấn đề này, Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT-DL cho biết, từ mấy năm trước, đã có văn bản liên quan cảnh báo việc quy hoạch và thi công tuyến đường ở đây. Ngoài ra còn có văn bản chuyển đơn kiến nghị của người dân ở khu vực này phản ánh việc quy hoạch dự án đường Đội Cấn - Hồ Tây giai đoạn 2, đoạn Hoàng Hoa Thám - Hồ Tây sẽ san bằng tuyến phố Hoàng Hoa Thám, một phần di tích thành Đại La xưa đến Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội.
Cụ thể, từ năm 2006, cục cũng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và Sở VH-TT-DL Hà Nội cảnh báo việc quy hoạch dự án có nguy cơ xóa sổ đoạn di tích thành Đại La, đồng thời đề nghị TP Hà Nội có kế hoạch nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết, vừa đáp ứng việc bảo tồn, vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Về phía địa phương, năm 2006, Sở VH-TT-DL Hà Nội có công văn gửi UBND TP Hà Nội thông báo dự án xây dựng này tới các quận Tây Hồ và Ba Đình, Sở Giao thông Vận tải không hề tham khảo ý kiến sở chức năng nên năm 2009 khi dự án được triển khai đã có nhiều ý kiến không đồng thuận. Trong công văn nói rõ: “Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức 1490 lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội, một trong những tư liệu quan trọng minh chứng cho sự tồn tại của thành Đại La, là dấu tích dưới mặt đường Hoàng Hoa Thám”.
Theo tìm hiểu riêng của một số nhà sử học sau khi khảo sát thực địa đã cho rằng: Khu vực thi công dự án đường Văn Cao - Hồ Tây đã đụng phải thành Đại La theo bản đồ Hồng Đức và nhiều khả năng đó là hoàng thành thời Lê. Ngoài ra, cũng phát hiện tại đây một số di vật có liên quan là các mảnh gốm, vật liệu kiến trúc.
Xung quanh thông tin có hay không việc một đoạn của thành Đại La bị xúc đổ khi thi công dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, ông Dương Đức Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, đã yêu cầu các nhà thầu khi thi công phải quan sát và nếu có tìm thấy di vật phải báo cáo về ban quản lý. Hàng ngày, lực lượng giám sát thi công phải có trách nhiệm báo cáo việc nêu trên nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy di vật nào...
Trên thực tế, tại điểm địa này chưa có khảo sát, báo cáo cụ thể nào về việc có hay không những di vật còn sót lại của đoạn tường thành Đại La đã bị xúc đổ trong quá trình thi công đường Văn Cao - Hồ Tây. Tuy nhiên, các cơ quan có trách nhiệm cần có những động thái tích cực để không phải ân hận khi vô tình xóa bỏ di sản ngàn năm.
M.AN