Tuyên dương 184 giáo viên dạy học sinh khuyết tật

Tuyên dương 184 giáo viên dạy học sinh khuyết tật

(SGGPO). - Sáng nay, 18-3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tuyên dương  184 giáo viên và cán bộ quản lý của 63 tỉnh thành trên cả nước vì thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục cho trẻ khuyết tật ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và các trường chuyên biệt, đang trong quá trình hòa nhập.

Đó là những gương mặt gương mặt nổi trội về tinh thần không quản khó khăn vất vả, dành hết tâm huyết, tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm của mình cho các em học sinh bị thiệt thòi.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trao bằng khen cho các giáo viên

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trao bằng khen cho các giáo viên

Tiêu biểu như thầy Vũ Xuân Tâm (Trường Tiểu họ Bạch Mai, Hà Nội) có 16 năm liên tục tham gia công tác về dạy trẻ khuyết tật, là thành viên sáng lập Hội cứu trợ trẻ tàn tật Hà Nội; cô Nguyễn Thị Đậm, với 14 năm dạy trẻ khuyết tật, đã giúp cho học sinh Phạm Thị Thu Hà, là học sinh khiếm thị tham gia Para Game 22 đạt huy chương đồng môn bơi lội…

Sáng nay, cô Đinh Thị Lan, Trường Tiểu học Cao Xanh, TP Hạ Long, Quảng Ninh cũng đã gây được sự chú ý lớn. Học sinh Phạm Thị Hoài Thương là trẻ khuyết tật vận động, vào học lớp 3 khi đã 14 tuổi. Tầm vóc bé Thương chỉ nhỏ như trẻ lên 6 tuổi, dị tật toàn thân, vận động nặng nề do di chứng chất độc da cam để lại, không thể tự làm gì được, chỉ nằm và ngồi. Cô Lan đã dày công chăm sóc, dạy dỗ em Thương đạt được kết quả học tập đáng khâm phuc: Đạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp cấp trường, được tham dự và đạt giải đặc biệt trong hội thi Viết chữ và trình bày đẹp cấp thành phố.

Bên cạnh đó, có rất nhiều giáo viên đã có hơn 20 năm miệt mài vun đắp ươm mầm cho những trẻ em thiếu may mắn như cô Nguyễn Thị Thúy Hòa, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu với 22 năm dạy trẻ khiếm thị. Thầy Nguyễn Văn Chuyền, Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng có 19 năm dạy trẻ khuyết tật.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong những năm qua, tỷ lệ trẻ khuyết tật đến lớp đã không ngừng tăng lên. Nếu năm học 2003-2004 chỉ có trên 107.000 trẻ khuyết tật đi học thì năm 2008-2009 con số này đã là 397.500 em.  Tuy vậy, đến năm 2009, số lượng trẻ khuyết tật đi học chỉ chiếm khoảng 40%. Vì thế, mục tiêu của Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001-2010 xác định đến năm 2010 là đảm bảo 70% trẻ khuyết tật khó có thể đạt được, Bộ GD-ĐT cho rằng, cần phải kéo dài đến năm 2015.

 Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển công tác giáo dục hòa nhập trong thời gian tới. Trong đó có việc xây dựng chế độ, chính sách cho giáo dục hòa nhập, phát triển nguồn nhân lực cán bộ giáo viên dạy đối tượng này. Tổ chức hệ thống dịch vụ và xây dựng Trung tâm hỗ trợ, phát triển giáo dục hòa nhập..

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục