Tuyển sinh đại học năm 2022: Những lưu ý cho thí sinh diện xét tuyển thẳng

Năm nay, thí sinh xét tuyển thẳng có hai diện là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và theo quy định của các trường. Đặc biệt, chỉ có thí sinh xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT được xác nhận nhập học sớm; diện còn lại phải chờ kết quả xét tuyển chung. Vì vậy, thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ thông tin khi đăng ký xét tuyển vào các trường, tránh tình trạng được tuyển thẳng nhưng vẫn rớt. 
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ảnh: ANH MINH
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ảnh: ANH MINH

Được xác nhận nhập học sớm 

 Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, đối tượng thí sinh xét tuyển thẳng năm 2022 có nhiều điểm mới so với năm 2021. Cần lưu ý, chỉ có thí sinh diện xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT được xác nhận nhập học sớm so với các phương thức xét tuyển còn lại. 

Cụ thể, đối tượng được xét tuyển thẳng, gồm có: (1) Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc; (2) thí sinh đoạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi, giải đấu cấp quốc gia hoặc quốc tế do Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL tổ chức hoặc cử tham gia; (3) thí sinh có bằng trung cấp ngành sư phạm loại giỏi trở lên, hoặc có bằng trung cấp ngành sư phạm loại khá và có ít nhất 2 năm làm việc đúng ngành được xét tuyển thẳng vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng; (4) hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo căn cứ kết quả học tập cấp THPT của thí sinh để xem xét, quyết định nhận vào học những trường hợp: thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng; thí sinh là người dân tộc thiểu số và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ; thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo; thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực tiếng Việt đáp ứng quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. 

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết, thí sinh diện xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT cần hoàn thành nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các trường ĐH đến ngày 15-7. Sau đó, các trường ĐH hoàn thành công tác xét tuyển thẳng, thông báo kết quả cho thí sinh và cập nhật danh sách thí sinh trúng xét tuyển thẳng lên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT đến ngày 21-7. Thí sinh trúng tuyển thẳng cần xác nhận nhập học trên hệ thống trong thời gian từ ngày 22-7 đến hết ngày 20-8. Những thí sinh trúng tuyển thẳng sau khi xác nhận nhập học sẽ không tham gia xét tuyển ở các phương thức khác. 

Xét tuyển thẳng ở từng trường khác nhau

 Ngoài quy định về đối tượng tuyển thẳng của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH cũng có quy định xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của từng trường. Thí sinh tham gia phương thức xét tuyển này ở từng trường cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin để tránh tình trạng đủ điểm nhưng không đạt điều kiện phụ. 

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược TPHCM, đối tượng tuyển thẳng vào trường có 3 nhóm. Thứ nhất, thí sinh thuộc đối tượng (1) được tuyển thẳng vào học đại học một trong tất cả các ngành. Thứ hai, thí sinh thuộc đối tượng (2): môn Sinh học đoạt giải nhất được tuyển thẳng vào ngành y khoa hoặc răng - hàm - mặt, còn giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào một trong các ngành còn lại; môn Hóa học đoạt giải nhất được tuyển thẳng vào ngành dược học, còn giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào ngành kỹ thuật xét nghiệm y học; môn Vật lý giải nhất được tuyển thẳng vào ngành dược học. Thứ ba, thí sinh thuộc đối tượng (2): đoạt giải nhất được tuyển thẳng vào ngành y học cổ truyền, y học dự phòng; giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào một trong các ngành còn lại... 

Trong khi đó, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có những điều kiện phụ dành cho thí sinh diện xét tuyển thẳng và tỷ lệ chỉ tiêu ở từng ngành, từng trường cũng khác nhau. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên xét tuyển thẳng vào đại học đúng ngành hoặc ngành gần với môn thi học sinh giỏi quốc gia mà thí sinh đoạt giải. Trong đó riêng môn Toán (thi học sinh giỏi) được xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Tin học được xét tuyển thẳng vào các ngành đúng hoặc ngành gần. Thí sinh thuộc nhóm đối tượng (4) phải thỏa mãn các điều kiện: có điểm trung bình cộng các môn Toán, Vật lý, Hóa học cuối năm học các lớp 10, 11, 12 từ 8,0 điểm trở lên và phải học bổ túc kiến thức một năm học trước khi vào học chính thức.

Đối với Trường ĐH Kinh tế - Luật, trường dành tối đa 5% tổng chỉ tiêu xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Đáng chú ý, trường còn có thêm điều kiện đối với thí sinh là cần phải đạt ngưỡng xét tuyển kết quả học THPT (trung bình học bạ) đạt từ 8,0 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển thẳng…

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết, theo Điều 8 của Quy chế tuyển sinh, các cơ sở đào tạo quy định cụ thể và công bố trong đề án tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, đối tượng, chỉ tiêu, tiêu chí, phạm vi tuyển sinh, ngành, chương trình đào tạo để xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Chính vì vậy, diện xét tuyển thẳng dù là đối tượng được đặc biệt ưu tiên nhưng không phải muốn vào ngành nào, trường nào cũng được. Do đó, khi tham gia xét tuyển thẳng vào các trường, thí sinh cần nắm rõ những quy định, tiêu chí phụ của từng trường thì mới có khả năng trúng tuyển. “Thí sinh cũng nên ưu tiên việc lựa chọn ngành học mà mình yêu thích, không nên chạy theo đám đông đổ xô vào những ngành “hot” dẫn tới mất cơ hội trúng tuyển những ngành thật sự phù hợp với bản thân”, Th.S Phạm Thái Sơn khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục