Năm 2017 là năm đầu tiên các trường cao đẳng (CĐ) nghề, CĐ chính quy (gọi chung là CĐ) tách khỏi thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các trường như thay đổi chương trình đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp sử dụng lao động, đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp…, nhiều trường đã thật sự tạo sức hút đối với thí sinh.
Nhiều trường đã tuyển đủ chỉ tiêu
Tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, phấn khởi cho biết: Năm nay trường được giao hơn 2.000 chỉ tiêu, đến nay đã tuyển được 2.000 thí sinh. Trong đó, nhiều ngành thí sinh có điểm trúng tuyển cao, như nhóm ngành sức khỏe, công nghệ. Nhà trường đảm bảo 100% sinh viên các ngành công nghệ, kỹ thuật có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) là trường có sức hút nhất. So với các trường CĐ khác thì trường này thu hút rất nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển (bằng kết quả thi THPT quốc gia 2017) nhiều ngành lên tới 18,75 điểm.
Những ngành còn lại có điểm chuẩn từ 14 - 18 điểm. Một điều đáng “nể” là trường công bố điểm chuẩn và thời hạn làm thủ tục nhập học cùng thời điểm với các trường đại học. Tổng chỉ tiêu năm nay của trường là 3.000 chỉ tiêu.
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học thực hành
Trường CĐ Kinh tế TPHCM đến nay đã tuyển gần đủ 100% trên tổng số 1.200 chỉ tiêu. Rất nhiều thí sinh có kết quả thi THPT quốc gia từ 20 - 21 điểm đã đăng ký xét tuyển và nhập học vào trường.
Tại nhiều trường CĐ khác, như Kinh tế đối ngoại, Công thương, Công nghệ Thủ Đức, Kỹ nghệ 2, Bách Việt…, kết quả tuyển sinh cũng khởi sắc hơn năm 2016. Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết tổng chỉ tiêu năm nay của trường là 1.800 và hiện đã tuyển đạt khoảng 70% chỉ tiêu. So với năm ngoái thì kết quả tuyển sinh năm nay có nhiều khởi sắc hơn.
Có thể nói, dù năm nay thông tin tuyển sinh các trường CĐ thuộc Bộ LĐTB-XH đến với thí sinh khá hạn chế, nhưng kết quả tuyển sinh của nhiều trường rất đáng phấn khởi. Nguyên nhân có thể là do tâm lý thí sinh sợ học đại học mất nhiều thời gian hơn mà vẫn bị thất nghiệp, nên chọn học CĐ để dễ kiếm việc và một phần cũng do những cam kết mạnh mẽ của nhà trường về giải quyết việc làm cho sinh viên.
Cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm
Hiện nay, sinh viên theo học các trường thuộc Bộ LĐTB-XH ngoài việc hy vọng thời gian học ngắn hơn, ra trường dễ kiếm việc làm hơn, thì còn thêm sự an tâm khi được nhiều trường dũng cảm ký cam kết đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm.
Khởi đầu là Trường CĐ Quốc tế TPHCM. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi đã kết hợp với doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, tạo chỗ thực tập, sử dụng lao động khi sinh viên đang còn học. Kế đến, khi sinh viên nhập học, cùng với điều kiện phải hoàn thành nghĩa vụ học tập, chúng tôi ký cam kết đảm bảo 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm”.
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cũng mạnh dạn tiến hành ký thỏa thuận đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm, nếu không thì nhà trường sẽ hoàn trả học phí hoặc đào tạo lại miễn phí các kỹ năng mà doanh nghiệp cần khi tuyển dụng.
Thạc sĩ Lê Lâm cho biết: “Để thực hiện điều này, nhà trường phải có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp; đồng thời đảm bảo quá trình đào tạo ngoài việc theo đúng chương trình khung còn phải tăng cường các kỹ năng, đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp”.
Năm 2017 là năm mà các trường CĐ thuộc Bộ LĐTB-XH phải “tự thân” tuyển sinh, hoàn toàn tách khỏi thông tin tuyển sinh chung với các trường đại học, CĐ sư phạm thuộc Bộ GD-ĐT.
Trước khó khăn này, các trường đã tiếp cận người học bằng những cam kết “người thật, việc thật”, đổi mới chương trình đào tạo gắn với các nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Tuy nhiên, để kết quả phân luồng của Chính phủ đạt hiệu quả và tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, trong những năm tới, liên Bộ LĐTB-XH, GD-ĐT phải gắn thông tin tuyển sinh của cả 2 hệ thống, giúp thí sinh hiểu rõ và có nhiều thông tin hơn.
Tiến sĩ Trần Thanh Hải khẳng định: “Không đơn giản khi Trường CĐ Viễn Đông dám đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm. Để đạt được điều này, nhà trường phải mời các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động góp ý xây dựng chương trình, tham gia suốt quá trình đào tạo của nhà trường để đảm bảo lý thuyết lẫn thực hành. Nếu không có sự gắn kết chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng đào tạo, thì trường không thể cam kết như trên. Minh chứng là ngay từ khi đi thực tập, nhiều ngành công nghệ, kỹ thuật, cơ khí…, sinh viên đã có lương và được doanh nghiệp ký hợp đồng”.