Tỷ lệ xuất siêu ngành chế biến gỗ trên 4 tỷ USD

Ngày 30-5, tại buổi tọa đàm về những rủi ro trong xuất khẩu đồ gỗ chế biến ở TPHCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức, các diễn giả đánh giá ngành chế biến gỗ có tốc độ phát triển luôn ở mức 10% - 12%/năm, trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến cao nhất vùng Đông Nam Á và chỉ sau Trung Quốc ở khu vực châu Á.
Tỷ lệ xuất siêu ngành chế biến gỗ trên 4 tỷ USD

Ngày 30-5, tại buổi tọa đàm về những rủi ro trong xuất khẩu đồ gỗ chế biến ở TPHCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức, các diễn giả đánh giá ngành chế biến gỗ có tốc độ phát triển luôn ở mức 10% - 12%/năm, trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến cao nhất vùng Đông Nam Á và chỉ sau Trung Quốc ở khu vực châu Á.

Khách tham quan Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam 2015. Ảnh: CAO THĂNG

Năm 2015, tỷ lệ xuất siêu ngành chế biến gỗ trên 4 tỷ USD (trong tổng số 6,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu).  Tuy nhiên, các diễn giả nhận định, bên cạnh các cơ hội từ TPP và EVFTA mang lại, ngành này cũng đối diện với nhiều rủi ro. Trong đó, diễn biến mới nhất là Hà Lan (thành viên các nước Cộng đồng chung châu Âu) đã đưa Việt Nam vào danh sách kiểm soát như với sản phẩm đồ gỗ chế biến của Trung Quốc và Ấn Độ. Lý do là có doanh nghiệp sử dụng nguồn gốc gỗ không hợp pháp từ Lào và Campuchia trong chế biến sản phẩm gỗ. Ưu thế về lao động rẻ của Việt Nam ngày càng mất dần, cũng như giá trị gia tăng các sản phẩm gỗ chế biến mang lại thấp so với nhiều nước khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore...  Ngoài ra, thiết bị và công nghệ chế biến gỗ của Việt Nam chỉ ở mức trung bình nên chưa thể nâng cao năng suất, chất lượng; trình độ quản lý còn thấp và tay nghề lao động chưa được đào tạo bài bản là những thách thức cần sớm khắc phục.

Để ngành này phát triển bài bản, không tự phát như thời gian qua, đòi hỏi Nhà nước có chiến lược và chính sách phù hợp, như tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn vay trung hạn để thay đổi công nghệ mới, khuyến khích và tạo chuỗi liên kết giữa khâu trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ, vì các khâu này thời gian qua chưa có sự hợp tác chặt để nâng cao giá trị từng khâu và khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài...  

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục