Ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai, minh bạch tài sản cán bộ, đảng viên

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn chủ trương cần, kiệm, liêm, chính để chí công vô tư...
Triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngày 31-5, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

PGS-TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, khi nói về học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có 2 phương diện gắn kết với nhau. Đó là học tập và làm theo quan điểm lý luận Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Đạo đức đó chính là nền tảng căn bản để con người hoàn thành nhiệm vụ, để con người “giàu sang không bị quyến rũ, nghèo khó không lay chuyển”.
Đạo đức chính là chỉ báo để con người chúng ta luôn luôn hoàn thiện, đảm bảo nhân cách làm người sáng trong. Trong mọi hoạt động Đảng, ta luôn có những chỉ dẫn cụ thể về những phẩm chất đạo đức căn bản, bao gồm trong đó sự trung thành tuyệt đối. Đảng của nhân dân tận tụy hy sinh thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, ra sức làm việc cho Đảng, bất kỳ việc nhỏ việc lớn thực hiện theo nguyên tắc, việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh… 
Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn chủ trương cần, kiệm, liêm, chính để chí công vô tư. Để đạt được cả 4 đạo đức đó, phải rèn luyện suốt đời, tức là suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống vụ lợi, vị kỷ, vì mình và không tính đến lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. 
Trả lời băn khoăn của bạn đọc: “Sinh thời, Bác Hồ sống rất giản dị, tiết kiệm, vậy mà ngày nay, một số cán bộ quá giàu, biệt thự, xe sang, con cháu đi học nước ngoài”, GS-TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong tình hình hiện nay, phải công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, trong đó cán bộ cao cấp phải làm gương theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay.
“Tôi nghĩ trong thời đại phát triển công nghệ thông tin như hiện nay chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, trong đó mới nhất là Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Làm được như vậy sẽ kiểm soát tốt vấn đề thu nhập của cán bộ, đảng viên, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng”, GS Mạch Quang Thắng nhận định.
Cùng quan điểm đó, PGS Phạm Ngọc Anh nhận định, tính minh bạch, chính xác, tăng cường kiểm tra, giám sát cũng là một biện pháp để phòng, chống tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Trong thời gian tới cần kiểm soát tài sản của cán bộ đảng viên, đặc biệt là những người đang giữ vị trí then chốt ở những cơ quan trong hệ thống chính trị.

Tin cùng chuyên mục