Trong một lần tắm cho con, chị Phạm Nguyệt Linh (37 tuổi, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) phát hiện con có một khối u nhỏ ở bụng. Chị đưa con đến Bệnh viện Long Xuyên (tỉnh An Giang) khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán con chị mắc bệnh hiểm nghèo: bướu ác tụy.
Kể từ lần phát bệnh đầu tiên lúc 3 tháng 10 ngày tuổi, bé Võ Phạm Quỳnh Như (4 tuổi) đã nằm viện 4 năm. Trong ngần ấy năm, mặc dù còn rất nhỏ nhưng bé đã phải trải qua 2 lần phẫu thuật cắt bỏ u bướu ở Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TPHCM, nhưng đáng tiếc cả 2 lần đều không thành công. Kích thước bướu của bé ngày càng to, ban đầu từ 0,60mm nay đã hơn 180mm (ảnh). Bướu to, chèn ép dạ dày khiến bé không ăn được gì ngoài sữa. Hiện tại, bé đang nằm ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM chờ phẫu thuật lần 3.
Căn bệnh bẩm sinh từ khi còn là trẻ sơ sinh và trải qua nhiều lần hóa trị khiến bé Quỳnh Như không nói chuyện được
Căn bệnh bẩm sinh từ khi còn là trẻ sơ sinh và trải qua nhiều lần hóa trị khiến bé Quỳnh Như không nói chuyện được; hai từ bé biết nói là “mẹ” và “đau”. Tình hình sức khỏe của bé ngày càng yếu; tất cả danh mục thuốc được hỗ trợ bảo hiểm y tế đã sử dụng hết. Hiện bé cần dùng thuốc mua ngoài với giá khá đắt đỏ từ chục triệu đồng trở lên, nhưng gia đình không có khả năng chi trả. Thu nhập gia đình chị Linh chỉ dựa vào 2 vụ lúa/năm nhưng giá lúa bấp bênh lúc lên lúc xuống, khiến cuộc sống quá khó khăn, eo hẹp. Hai năm sau khi bé Như phát bệnh, chồng chị nhẫn tâm li dị và dứt áo ra đi bỏ lại chị - một giáo viên mầm non phải đột ngột nghỉ dạy về lo bệnh cho con, một mình gồng gánh nuôi 2 đứa con thơ. Còn ba mẹ ruột chị Linh năm nay đã ngoài 70 tuổi, không còn đủ sức kiếm tiền. Riêng ba chị còn bị tai biến mạch máu não, sức khỏe đã yếu lại càng yếu hơn. Tiền thuốc thang lo cho bé Như đều vay mượn từ bà con, hàng xóm, bạn bè. Đến nay, tổng số tiền mượn nợ đã lên đến con số 70 triệu đồng.
Nhìn đứa con mình đứt ruột sinh ra đang đau đớn chống chọi bệnh tật, chị nghẹn ngào: “Tôi chỉ hy vọng con sẽ sớm khỏi bệnh và sống tiếp với mình. Con sinh ra đã không may mắn như những đứa trẻ khác, bây giờ điều tôi có thể làm cho con là đáp ứng những nhu cầu của bé, dù nhà khó khăn tôi cũng ráng mua vài miếng bánh, ít đồ chơi và cùng con kiên trì chống đỡ bệnh tật. Còn nước còn tát, tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.
Mọi giúp đỡ xin gửi về Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; ĐT: (028) 22111263. Hoặc chuyển qua tài khoản Báo SGGP: 310.10000. 231438 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM.