
Không chỉ chú trọng việc dạy chữ, hiện tại, một số trường THCS-THPT trên địa bàn TPHCM còn đặc biệt quan tâm đến chuyện “trồng người” thông qua công tác từ thiện xã hội.

Học sinh trường Nhân Văn trong chuyến công tác từ thiện trao nhà tình thương cho người nghèo ở Bến Tre.
Suốt gần 20 năm kể từ lúc thành lập, Trường THCS-THPT dân lập Nhân Văn TPHCM đã không ngừng vun bồi cho học sinh về lòng nhân ái, thể hiện trong từng hành động và cách ứng xử hàng ngày.
Hàng tháng, tập thể thầy cô, cán bộ nhân viên nhà trường đều tự giác trích một ngày lương đóng góp vào quỹ từ thiện xã hội. Tại từng lớp học, tuần nào cũng vậy, phong trào “mỗi tuần 1.000 đồng” kêu gọi các em học sinh tự nguyện tiết kiệm tiền ăn quà, tiền tiêu vặt gia đình cho để góp vào quỹ dành làm kinh phí thực hiện các chương trình vì cộng đồng.
Chính cách làm gọn nhẹ, hiệu quả nên năm nào nguồn quỹ từ thiện của trường Nhân Văn cũng “rủng rỉnh” 40 - 50 triệu đồng, sẵn sàng cho các chuyến đi từ thiện xã hội. Vào mỗi dịp hè, đoàn thanh niên nhà trường lại tất bật soạn thảo kế hoạch cho những chuyến đi làm việc nghĩa, đồng thời cũng là một cuộc trải nghiệm đầy thú vị cho học sinh.
Từ các địa phương thuộc khu vực miền Đông gần TPHCM đến tận vùng quê nghèo các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Kiên Giang đều có bước chân tình nguyện vì cộng đồng của thầy trò trường Nhân Văn. Và sau mỗi chuyến công tác xã hội, các em học sinh đều có trách nhiệm viết lại “nhật ký” ghi lại những cảm nhận sau mỗi chuyến đi để thầy cô giáo chọn đọc trước sân cờ vào mỗi đầu tuần.
“Năm 2011, chúng tôi tổ chức cho học sinh đi trao tập sách cho học sinh nghèo tại An Giang và tặng nhà tình thương tại Bến Tre. Các em rất vui và bày tỏ mong muốn sẽ luôn được đi làm việc thiện” - thầy Nguyễn Huy, Phó Tổng giám thị trường Nhân Văn, tâm sự.
Tương tự các học sinh Trường THCS-THPT Hồng Hà cũng không ngừng được giáo dục tình cảm “thương người như thể thương thân”. Gần đây nhất là cuộc giao lưu đầm ấm đầy cảm xúc với các bệnh nhân nhỏ tuổi tại chương trình “Trung thu cho em” do Báo SGGP tổ chức. Buổi chiều tối hôm ấy, các bậc phụ huynh có con em đang điều trị tại đây không khỏi xúc động khi thấy các cô cậu học trò nhỏ trong bộ đồng phục gọn gàng, trên tay là chiếc lồng đèn giấy nhỏ xinh len lỏi giữa khung cảnh đông đúc, chật chội gần như nghẹt thở để đến tận giường bệnh tặng các bạn nhỏ bất hạnh món quà tinh thần, gởi gắm trong đó nhiều điều ước tốt đẹp của ngày trăng tròn đầy ý nghĩa.
Trở về phòng sinh hoạt cộng đồng, các em lại tay trong tay cùng các bệnh nhi ca hát, vui đùa. Một bên kể chuyện học, chuyện vui chơi sinh hoạt và bày tỏ sự cảm thông, lời động viên; còn một bên nhỏ nhẹ bày tỏ tình cảnh, rồi đôi mắt vụt sáng lên khi nói về ước mơ của mình. Sau đó cả hai bên cùng hát, cùng cười, cùng vỗ tay. Sau buổi giao lưu, 3 cô gái Lê Ngọc Ngân Hà, Trần Ngọc Thu Nga và Nguyễn Phan Yến Vy cùng học sinh lớp 11A4 , những ca sĩ chính trong đội văn nghệ trường Hồng Hà, bày tỏ: “Có đến đây chúng em mới hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh bất hạnh của các em, các bạn”.
Cô Hà Thị Kim Sa, hiệu trưởng, người luôn có mặt bên các học sinh thương yêu của mình trong hầu hết các chuyến công tác từ thiện chia sẻ: “Hàng năm chúng tôi đều tổ chức các chuyến dã ngoại đến với hoàn cảnh bất hạnh, kém may mắn để các em chứng kiến và trải nghiệm. Hoạt động đậm tính nhân văn này đã trở thành truyền thống, theo sát với việc dạy học”. Những hình ảnh của các chuyến đi được treo trang trọng trên bảng thông tin của trường đã nói lên điều đó. Trước mỗi chuyến đi đều có hoạt động đập “heo đất” để lấy kinh phí.
Sách, truyện, đồ chơi quần áo cũ cùng các vật dụng do các em học sinh tự góp và thu thập được từ phong trào “kế hoạch nhỏ” trở thành hành trang của mỗi chuyến hành trình. Những điều tai nghe, mắt thấy, cảm xúc khi đã tự mình trải nghiệm cuộc sống đều được các em thể hiện qua những dòng nhật ký viết tay trên trang giấy để chia sẻ với thầy cô, bạn bè trong các buổi sinh hoạt tập thể. Rồi sau đó gấp lại thành những lá thư gửi đến tận nơi, tận tay những hoàn cảnh cơ nhỡ đang rất cần sự an ủi, động viên.
Từ chuyện của thầy trò trường Hồng Hà, trường Nhân Văn, chúng tôi ước mong sao sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái nhỏ tuổi không ngừng được đào tạo và rèn luyện sao cho khi rời khỏi mái trường bước vào đời vừa có kiến thức để phục vụ xã hội, nhưng cũng phải biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và biết nghĩ đến cộng đồng.
Mai Nguyễn