
2 tháng trước đây nhiều người đổ xô mua USDõ để cất giữ vì lo ngại lạm phát, VNĐ mất giá. Nay người ta lại đem bán USD để mua CK và vàng, hoặc lấy VNĐ gửi NH hưởng lãi suất cao hơn.
Đồng USD đang dần mờ nhạt trong danh mục bỏ vốn của giới đầu tư khi CK gia tăng trở lại trong những tuần gần đây. Nhiều người không mặn mà với việc giữ USD và có xu hướng chuyển đổi sang VNĐ do lãi suất cao hơn gấp đôi so với ngoại tệ. Tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do mất dần tính thanh khoản. Giới môi giới không còn tha thiết với việc tìm USD và kích cầu tỷ giá như 2 tháng trước, mà phần lớn chuyển sang môi giới CP OTC.

Sức mua USD đã giảm mạnh.
Đồng USD tiếp tục mất giá so với VNĐ trong những ngày đầu tháng 8. Tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do còn thấp hơn so với giá niêm yết tại các NHTM. Trong ngày 27-8, tỷ giá niêm yết tại Eximbank, Vietcombank mua vào 16.555 VNĐ/USD, bán ra 16.620 VNĐ/USD. Trong khi đó, trên thị trường tự do giá USD được chào mua ở mức mua 16.550 VNĐ/USD, bán 16.560 VNĐ/USD, giảm khoảng 2-3 ngàn VNĐ/USD so với mức đỉnh cao nhất của tỷ giá vào hồi tháng 6-2008.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng sở dĩ USD đang mất giá so với VNĐ là do tốc độ lạm phát đang giảm. Niềm tin của NĐT vào CK bắt đầu bình ổn. Đây cũng là cơ sở để người tiêu dùng chuyển đổi USD sang VNĐ gửi tiết kiệm. Thực tế sau đợt điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi của các NH vừa qua, lãi suất tiết kiệm USD được cắt giảm khá mạnh. So với VNĐ hiện lãi suất tiết kiệm ngoại tệ chỉ bằng 1/3. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm VNĐ đang áp dụng phổ biến tại các NHTM CP hiện nay trên dưới 18%/năm (tương đương 1,5%/tháng) cho kỳ hạn từ 3-12 tháng; trong khi lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn 3-6 tháng chỉ còn 4,5-5,5%/năm. Còn kỳ hạn 12 tháng chỉ trong khoảng 5,5-6%/năm. Như vậy, nếu giữ USD không những bị thiệt thời về lãi suất gửi tiết kiệm mà còn thua lỗ do tỷ giá giảm dần. Mãi lực USD yếu dần, các giao dịch trầm lắng cũng là yếu tố tác động tiêu cực đến tỷ giá hối đoái hiện nay.
Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường ngoại tệ tiếp tục ổn định. Nguồn cung trong những tháng còn lại của năm sẽ tiếp tục dồi dào khi nguồn kiều hối gửi về nước mạnh hơn. Thêm vào đó, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD trong năm nay. Theo Bộ KH-ĐT, 7 tháng đầu năm đã giải ngân được 7 tỷ USD vốn FDI, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại cũng đang giảm dần. Báo cáo tháng 8 của Standard Chartered đưa ra, thâm hụt thương mại của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt trong 2 tháng 6 và 7, ít hơn 1 tỷ USD mỗi tháng, so với con số trung bình từ tháng 1 đến tháng 5 là 2,7 tỷ USD.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng 6 và 7 đạt hơn 6,2 tỷ USD mỗi tháng, lần đầu tiên kể từ tháng 11-2006, kim ngạch xuất khẩu vượt qua nhập khẩu. Standard Chartered cho rằng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế tồn cầu. Và điều này sẽ tạo ra nguồn cung USD dồi dào cho Việt Nam.
Thanh Ngọc