Ưu thế của OI

Giờ đây ai cũng nói về trí tuệ nhân tạo (AI), bởi nó đang thể hiện quá nhiều quyền năng có thể thay đổi nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp bán lẻ. Hàng chục ngàn công nhân đột ngột mất việc làm tại các “ông lớn” ngành công nghệ và bán lẻ, có thể được hiểu như những cú sốc đang tác động đến thị trường lao động.
Nhiều người thích trải nghiệm mua sắm qua tương tác trực tiếp
Nhiều người thích trải nghiệm mua sắm qua tương tác trực tiếp

Phần lớn các nhà bán lẻ đang đầu tư quá nhiều cho công nghệ và đầu tư quá ít cho con người, cụ thể là nhân viên của mình. Một trong những cái tên cần được nhắc đến trong làn sóng sa thải hàng loạt nhân viên không thể không kể đến Amazon, ông vua bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới. Theo Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy, dự kiến sẽ có 10.000 nhân viên bị sa thải theo kế hoạch hoạt động hàng năm. Lý do của hiện tượng sa thải này là hệ quả của đợt tuyển dụng ồ ạt để phục vụ cho kinh doanh trực tuyến bùng nổ trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đồng thời dồn lợi nhuận để phát triển các lĩnh vực mới.

Động thái của Amazon khiến các nhà bán lẻ khác lao tiếp vào cuộc cạnh tranh và họ (trong đó có Walmart) dường như đã tìm ra điểm mà Amazon có thể đang lơi là, đó là Organic Intelligent (OI - trí thông minh hữu cơ).

Năm 2015, Walmart đã đầu tư 2,7 tỷ USD để tăng lương và đào tạo mới cho nhân viên. Thời đó, tin tức về cú đầu tư này bị Phố Wall coi thường, khiến cổ phiếu sụt giảm và các nhà phân tích vò đầu bứt tai. Nhưng vài năm sau, quyết định đầu tư vào nhân viên của Walmart đã được đền đáp khi nhà bán lẻ liên tục gặt hái những doanh số khủng, cả tại cửa hàng lẫn trực tuyến, và tăng lương đều đặn cho nhân viên. Đợt tăng mới nhất được thông báo vào tháng 1 vừa qua với mức lương trung bình mỗi giờ lên hơn 17,5 USD. Như vậy, tính đến nay, gã khổng lồ bán lẻ có trụ sở tại Bentonville, Arkansas đã tăng lương 4 lần kể từ năm 2020 cho hơn 1,2 triệu nhân viên của mình và nhanh chóng lấy lại uy tín. Các nhà đầu tư đã quay trở lại và cổ phiếu đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, sự ổn định trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu của Walmart là thách thức đối với Amazon. Huyết mạch của nhà bán lẻ này là gần 12.000 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó có hơn 5.000 cửa hàng ở Mỹ đang hoạt động thành công. Đáng chú ý, sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh hàng tạp hóa của Walmart một phần nhờ cung cấp dịch vụ nhận hàng lề đường cho những hành khách bận rộn, xây dựng một mạng lưới rộng lớn các cửa hàng gần như chỉ nằm cách mọi người ở Mỹ chỉ vài phút lái xe… Nhiều người thích đi đến cửa hàng và tìm kiếm sản phẩm yêu thích. Đó là một niềm vui, một trải nghiệm không thể thay thế, kể cả khi họ có thể dễ dàng mua bất cứ thứ gì trên mạng.

Trên thế giới, Walmart là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất. Số liệu mới nhất cho thấy, công ty bán lẻ khổng lồ này có tới 2,3 triệu nhân viên, vượt xa công ty Amazon với 1,6 triệu người. Nhìn sâu hơn, nền tảng kinh doanh của Amazon chủ yếu tập trung vào giao dịch trực tuyến, do đó biểu đồ chi phí của Amazon không khắc nghiệt bằng mô hình cửa hàng truyền thống của Walmart. Việc tăng lương cơ bản nhạy cảm và phiêu lưu hơn với Walmart, nhưng họ tin rằng bán lẻ thông minh không có nghĩa là bán lẻ nhân tạo. Bán lẻ thông minh là bán lẻ với yếu tố con người được công nghệ hỗ trợ. Sự bền bỉ, cảm thông của nhân viên khi hướng dẫn người mua hàng định hướng được trong một rừng lựa chọn khác nhau... đã giúp mang lại thành quả bền vững cho Walmart trong những năm qua. Best Buy, Home Depot và Starbucks… hiện cũng đang đi theo con đường đó.

Tin cùng chuyên mục