(SGGPO).- Tại phiên họp chiều 11-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe trình bày và cho ý kiến về dự thảo Luật Thống kê sửa đổi.
Qua thẩm tra, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thống kê (sửa đổi), song còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Đáng lưu ý, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ được mối quan hệ và tính thống nhất trong hệ thống thông tin thống kê các cấp, cụ thể thời gian vừa qua số liệu tính tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của các địa phương cộng lại cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP chung của cả nước. Loại ý kiến này đề nghị quy định quyền hạn, trách nhiệm của Cơ quan thống kê trung ương trong việc xử lý tình trạng không thống nhất về thông tin thống kê.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với quy định về lịch công bố thông tin thống kê, song đề nghị bổ sung quy định rõ việc xây dựng lịch công bố thông tin thống kê trong dự thảo Luật, quy định cụ thể một số chỉ tiêu công bố như GDP, CPI, tỷ lệ thất nghiệp, thời điểm công bố cố định đối với 3 loại số liệu thống kê (số ước tính, số sơ bộ, số chính thức).
“Cần quy định rõ các nguyên tắc, phương thức công bố thông tin thống kê nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê chính thức đối với các tổ chức, cá nhân”, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh. Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, trong cơ quan thẩm tra, có ý kiến đề nghị cơ quan thống kê thuộc Chính phủ, có ý kiến cho rằng cơ quan thống kê độc lập do Quốc hội thành lập, có ý kiến cho rằng hệ thống thống kê đang hoạt động hiệu quả do đó không nhất thiết phải thay đổi (cơ quan thống kê hiện nay trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị để cơ quan thống kê trực thuộc Chính phủ.
Chia sẻ băn khoăn này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa xây dựng kế hoạch, tham mưu kế hoạch, rồi lại công bố kết quả thực hiện. Vậy thì việc cơ quan thống kê trực thuộc Bộ liệu có đảm bảo tính độc lập, khách quan được hay không?
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, việc Tổng cục Thống kê trực thuộc cơ quan nào không ảnh hưởng đến sự độc lập trong hoạt động của cơ quan này, nếu có cơ chế hoạt động và chế độ trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế thì phần lớn cơ quan thống kê các nước đều thuộc bộ kinh tế, một số nước thuộc Chính phủ và chỉ có Mông Cổ đặt cơ quan thống kê thuộc Quốc hội.
Trả lời câu hỏi, liệu Luật Thống kê sửa đổi có khắc phục được tình trạng mâu thuẫn trong các con số thống kê, đặc biệt là tính dự báo kém hay không, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, dự thảo Luật đã nêu rõ hệ thống chỉ tiêu, số liệu mà Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm về độ chính xác của số liệu cung cấp. Ông nói: “Lần đầu tiên dự Luật đã quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo một chuẩn mực. Ví dụ số liệu GDP trung ương sẽ do trung ương tính, GDP địa phương sẽ được tính toán và kiểm soát theo chuẩn, tránh việc thống kê trùng lắp. Luật này cũng quy định việc áp dụng, sử dụng công nghệ thông tin để tính toán, cập nhật, đảm bảo tính chính xác. Còn tính dự báo lại là công tác phân tích số liệu thống kê, ví dụ như giá điện tăng như vậy thì tác động thế nào đến CPI, GDP”…
ANH PHƯƠNG