Được vậy cũng không dễ dàng. Và doanh nghiệp góp một phần quan trọng trong việc đưa cây trái xứ mình đi xa chính là hãng hàng không quốc gia. Từ giữa năm ngoái, trong thực đơn của hãng này đã có trái vải Bắc Giang, rồi sau đó tới nhãn lồng Hưng Yên. Để đạt chuẩn phục vụ suất ăn máy bay, mấy thứ trái đó phải đảm bảo nhiều tiêu chí từ thu hoạch tới sơ chế, làm lạnh, phân loại… Và khi đã giữ được chỗ vững vàng trên các chuyến bay, coi như chuyện quảng bá đã ngon.
Hương vị món ăn truyền thống Việt Nam cứ nhờ vậy mà thêm thơm, đến được nhiều xứ. Khi không còn mắc mứu ở cái ngặt “được mùa mất giá”, nông sản sẽ rộng cửa hơn để ra thị trường nước ngoài. Người nông dân một nắng hai sương sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ công sức của mình.
Không có đầu ra bền thì mọi sản phẩm đều bấp bênh. Nông dân, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp lớn đều cần góp tay mình vào việc nâng chất lượng sản phẩm, rồi quảng bá có lớp lang bài bản. Cứ vậy bán hàng đều đều thì sẽ khá thôi. Hơi ví von một chút, nhưng kỳ tích xuất khẩu trái cây gắn liền với câu chuyện thiệt vui: trái vải biết bay!