Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, khi còn là một chú bé con học sinh tiểu học, tôi đã từng yêu thích và ca hát khá nhiều sáng tác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước như Bạch Đằng Giang, Tiếng gọi thanh niên, Ải Chi Lăng, Hồn tử sĩ, Xếp bút nghiên, Nam tiến, Hờn sông Gianh, Lên đàng, Gieo ánh sáng, Khúc khải hoàn…
Hồi đó tôi mới trên 10 tuổi nhưng đã thuộc làu rất nhiều bài hát của người nhạc sĩ tài danh này. Rồi tiếp đến 9 năm kháng chiến chống Pháp, một số sáng tác của Lưu Hữu Phước từ Việt Bắc qua đèo qua suối đến với miền Nam Trung bộ, lại được tôi và bạn bè cùng lứa say sưa luyện tập ca hát. Có thể nói chính những bài hát của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước góp phần mạnh mẽ thúc đẩy tôi sớm đến với con đường sáng tác âm nhạc từ trong kháng chiến chống Pháp.
Cuối năm 1954, khi từ giã quê hương ra tập kết ở miền Bắc, một trong những mong ước mãnh liệt trong tôi là được gặp các nhạc sĩ đàn anh trong đó có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người mà tôi hằng ngưỡng mộ. Đầu năm 1955, khi vừa ra thủ đô Hà Nội, tôi dò hỏi tìm đến trụ sở cơ quan Ban Nhạc Vũ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam để bắt liên lạc với giới nhạc sĩ. Đây là một ngôi nhà 2 tầng tuy nhỏ nhưng khang trang nhìn ra Hồ Gươm, lúc nào cũng đông vui, xôn xao tiếng cười nói của anh em nhạc sĩ với đủ giọng nói Bắc, Trung, Nam.
Lúc bấy giờ, tôi đang là một chàng trai 22 tuổi sung sức, xông xáo với nhiều ước vọng, hoài bão, nhưng khi đến cơ quan Ban Nhạc Vũ không khỏi rụt rè, thận trọng. Bởi lẽ xung quanh tôi khi ấy là những “cây đa, cây đề” trong làng nhạc cả nước mà tôi từng nghe tên tuổi và biết tác phẩm từ khi còn hoạt động âm nhạc ở quê nhà. Tại trụ sở này, tôi vui sướng lần đầu tiên được gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng các nhạc sĩ đàn anh khác. Trong số bốn nhạc sĩ ở miền Nam Trung bộ ra tập kết hồi đó, tôi là người nhỏ tuổi nhất nên thường được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước quan tâm hỏi chuyện về sáng tác âm nhạc ở quê hương.
Ngày 27-5-1957, Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính thức khai mạc trên lầu bốn tại một ngôi nhà ở phố Huế, Hà Nội. Sau 3 ngày làm việc, chiều ngày 29-5-1957, đại hội bế mạc. Ban Chấp hành đầu tiên được bầu ra gồm 11 thành viên, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trúng cử với số phiếu cao và được bầu vào chức vụ Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa đầu tiên. Ai cũng nghĩ ông trúng cử là xứng đáng.
Cuối năm 1959, tôi rời Hà Nội lên công tác ở Phú Thọ. Mỗi lần có công việc về Hà Nội, tôi thường đến thăm ông tranh thủ hỏi chuyện về âm nhạc. Lâu lâu không gặp, chúng tôi lại gửi thư cho nhau. Tôi vẫn còn giữ khá nhiều thư trong đó có một bức dài đến 6 trang, ông kể chuyện hoàn cảnh sáng tác các vở ca kịch như Tục lụy (kịch bản Khái Hưng, lời thơ Thế Lữ) và các vở ca kịch thiếu nhi khác như Con thỏ ngọc, Diệt sói lang… Đây quả là một tư liệu quý cho những ai cần nghiên cứu về sự nghiệp sáng tác của tác giả Lưu Hữu Phước.
Năm 1971, một hôm tôi nhận được một bưu ảnh từ Mátxcơva (thủ đô Liên Xô cũ). Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng khi được biết ông đi công tác nước ngoài vẫn không quên thằng em trong giới nhạc sĩ đang công tác ở Phú Thọ. Từ nước ngoài ông viết: “Mừng Quốc khánh 2-9, chúc T.Q.L. sức khỏe tốt, sáng tác nhiều Vàm Cỏ Đông mới nữa”. Sau đó, tôi lại tiếp tục nhận được bưu thiếp của ông từ CHDC Đức gửi về hỏi thăm sức khỏe. Thật xúc động.
30-4-1975, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, tôi vẫn công tác ở miền Bắc (đến năm 1977), một hôm nhận thư của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ Sài Gòn gửi ra đề ngày 1-7-1975. Ông viết: “…Quê hương miền Nam giải phóng rồi, Lục có về thăm đại gia đình không? Để rồi có cảm hứng sáng tác thêm mấy bài mới thật hay nữa…”. Điều làm tôi xúc động là hầu như trong thư nào ông gửi cho tôi đều ân cần động viên sáng tác cho quê hương, đất nước và không quên hỏi thăm gia đình vợ con tôi.
Tháng 9 năm nay kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (ông sinh ngày 12-9-1921, mất ngày 8-6-1989). Xin kính cẩn thắp nén hương viếng ông đang an lành ở thế giới của những người hiền. Đối với riêng tôi, ông là một người thầy, người anh, một đồng nghiệp đi trước luôn luôn quan tâm giúp đỡ thế hệ đi sau.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục