Vẫn chưa… thông

Người bệnh bỏ trạm y tế
Vẫn chưa… thông

Sau 1 tháng triển khai “thông tuyến” khám chữa bệnh

Sau một tháng triển khai, Thông tư số 40/2015/TT-BYT (quy định đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh có hiệu lực từ 1-1-2016) đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Mặc dù được xem là thuận lợi cho người bệnh có BHYT khi quy định không giới hạn nơi khám chữa bệnh (KCB) giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố, nhưng nó lại tạo ra những bất cập: người bệnh bỏ trạm y tế, việc phân bổ định mức thẻ BHYT không còn giá trị, bệnh viện (BV) tuyến huyện quá tải, phần mềm thông tuyến còn hạn chế gây kẽ hở có thể trục lợi BHYT…

Khám chữa bệnh BHYT tại một bệnh viện

Người bệnh bỏ trạm y tế

Tại hội nghị sơ kết 1 tháng triển khai Thông tư số 40 do Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TPHCM vừa tổ chức, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Phó phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế, cho biết đã có những thuận lợi nhưng cũng không ít vướng mắc. Theo đó, người bệnh có thêm lựa chọn BV nhưng vẫn… đúng tuyến. Thay vì phải xin thủ tục chuyển tuyến, từ 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở KCB tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc BV tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc BV tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh mà vẫn được BHYT thanh toán 100%. Không những vậy, người bệnh có BHYT còn có quyền được KCB tại phòng khám, BV tư nhân tương đương mà vẫn hưởng 100% quyền lợi chứ không phải 70% như lâu nay.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thoa, qua 1 tháng triển khai Thông tư 40, tổng lượt KCB của tháng 1-2016 giảm 9,5% so với tháng 12-2005. Trong đó, số lượt KCB của người có thẻ BHYT đăng ký tại BV tuyến huyện giảm 13%. Ngược lại, số lượt KCB của người có BHYT tại các phòng khám đa khoa tăng 19%. Điều đáng nói, qua 1 tháng cho phép “thông tuyến”, người bệnh đã không còn ngó ngàng tới trạm y tế. “Tổng lượt khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế trong tháng 1-2016 giảm tới 46,2% so với tháng 12-2005”, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y cho biết. Báo cáo đánh giá của Sở Y tế TPHCM thừa nhận số lượng KCB ở trạm y tế một tháng qua rất thấp, nhiều trạm y tế không tiếp nhận bệnh nhân nào, rất ít người đăng ký KCB BHYT ban đầu tại trạm y tế…

Như vậy, với xu hướng người bệnh bỏ trạm y tế, liệu có phá vỡ kế hoạch và chiến lược phát triển y tế cơ sở - trạm y tế - của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung? Từ năm 2013, TPHCM đã đầu tư nhân lực, vật lực phát triển hệ thống trạm y tế và hầu hết đã được thẩm định đủ tiêu chuẩn khám BHYT ban đầu. Không chỉ chủ trương giúp giảm tải cho các BV quận huyện và tuyến trên, trạm y tế được phát triển gắn kết với mô hình bác sĩ gia đình giúp người dân không cần phải đi khám bệnh xa và chờ đợi. Trong khi đó, theo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 của Bộ Y tế, một trong những mục tiêu cơ bản là xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn và cơ sở vật chất, trang thiết bị trạm y tế đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu của người dân tham gia BHYT, đảm bảo 100% số trạm y tế tổ chức KCB BHYT; có cơ chế khuyến khích người tham gia BHYT đăng ký KCB BHYT ban đầu tại trạm y tế.

Bệnh viện huyện… quá tải

 

Sẽ phân hạng bệnh viện tư nhân

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, hiện các BV tư nhân gặp khó khăn khi áp dụng Thông tư 40. Do vậy, sắp tới Sở Y tế TPHCM sẽ thẩm định, phân hạng các BV tư nhân để áp dụng đúng chính sách BHYT cho người bệnh. Theo đó, mặt bằng chung là sẽ phân hạng phần lớn các BV tư nhân thuộc tuyến huyện

 

Theo bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, Thông tư 40 cho phép BV tuyến quận/huyện tiếp nhận bất kỳ bệnh nhân nào đến khám BHYT mà không được đòi hỏi giấy chuyển viện như trước đây. Như vậy, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng người bệnh đổ dồn lựa chọn những BV có chất lượng, cơ sở tốt mà bỏ qua các BV chưa thực sự uy tín. Một số BV tuyến quận/huyện ở TPHCM có thương hiệu như BV quận Thủ Đức, BV quận 2, BV quận Bình Thạnh… đã được các bệnh nhân ở những địa phương lân cận tìm đến khám, chữa bệnh, mặc dù đăng ký KCB bệnh ban đầu ở nơi khác.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, đang xảy ra tình trạng dịch chuyển KCB BHYT từ BV này sang BV khác, từ các phòng khám đa khoa, trạm y tế về BV quận/huyện. Từ đó, việc phân bổ định mức thẻ BHYT không còn giá trị nhiều như trước đây mà chỉ có tính tương đối. “Việc phân bổ định mức thẻ BHYT đảm bảo hướng quyền lợi cho người bệnh. Nhưng nay BV quận/huyện nào tốt thì bệnh nhân có BHYT tới chứ không nhất thiết phải phân bổ định mức thẻ như trước nữa”, TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhìn nhận.

Mặc dù đã triển khai một tháng nhưng nhiều BV vẫn chưa áp dụng được phần mềm thông tuyến, gây khó khăn có người bệnh và tạo ra kẽ hở trục lợi BHYT. Theo bà Võ Hồng Ngọc, Phó phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM, đã có 46/54 BV sử dụng phần mềm thông tuyến, nhưng chỉ 16 BV kết xuất được dữ liệu, số còn lại vẫn… ngắc ngứ! Theo bà Ngọc, một số BV thậm chí chưa hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của báo cáo chuyển tuyến, chưa nắm bắt hết chức năng của phần mềm.

Về nguy cơ trục lợi BHYT khi người bệnh tự do KCB bệnh tại tất cả các bệnh viện quận/huyện trên địa bàn tỉnh, thành phố, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, đại diện BHXH TPHCM, cho biết đã triển khai phần mềm thông tuyến, dưới sự quản lý của BHXH. Tuy nhiên,  mới chỉ 96/289 cơ sở cài đặt phần mềm. Hơn nữa phần mềm vẫn hạn chế, phát hiện được bệnh nhân đã KCB ở cơ sở trước đó nhưng chưa xác định được cụ thể đã được chỉ định điều trị gì, cho thuốc gì… Do đó, BV vẫn phải khai thác thêm bằng…thủ công!

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục