Văn chương mạng: Tồn tại hay không tồn tại?

Sự kết thúc của hệ thống blog 360° ở Việt Nam để lại nỗi buồn cho nhiều người hâm mộ. Nhưng không chỉ có nỗi buồn, sự kết thúc này còn đe dọa luôn cả sự tồn tại của một trào lưu sáng tác văn học khá rầm rộ trong những năm gần đây: Văn chương mạng.
Văn chương mạng: Tồn tại hay không tồn tại?

Sự kết thúc của hệ thống blog 360° ở Việt Nam để lại nỗi buồn cho nhiều người hâm mộ. Nhưng không chỉ có nỗi buồn, sự kết thúc này còn đe dọa luôn cả sự tồn tại của một trào lưu sáng tác văn học khá rầm rộ trong những năm gần đây: Văn chương mạng.

Văn chương mạng thời Y!Blog 360°

Thực ra, từ trước khi blog bước vào đời sống văn học nghệ thuật trong nước thì khái niệm văn chương mạng đã manh nha phát triển thông qua các diễn đàn văn học. Tuy nhiên, ở các diễn đàn dạng này xuất hiện nhiều rào cản, như việc đăng tải tác phẩm tùy thuộc vào ý kiến chủ quan của người quản trị trang web, tác phẩm được đăng cũng phải phù hợp với tiêu chí của trang diễn đàn… Chính những điều ấy khiến văn chương mạng tuy tồn tại nhưng lại rất mờ nhạt trong đời sống văn học Việt Nam.

Những tác phẩm văn chương trên mạng đã được in thành sách.

Những tác phẩm văn chương trên mạng đã được in thành sách.

Chính blog Y!360° đã thực sự tạo nên cái gọi là hiện tượng văn chương mạng. Mở đầu bằng những tác phẩm dạng tản văn, truyện ngắn, dần dần văn chương mạng càng lúc càng phát triển với hàng loạt tác phẩm tạo tiếng vang về các yếu tố lạ như Trần Thu Trang với Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu, 99 tuần buôn chuyện; Keng với Dị bản; Hà Kin với Chuyện tình New York; Cấn Vân Khánh với Người đàn ông có đôi mắt trong; Giao Chi với Tuyết Đen; Đặng Thiều Quang với Chờ tuyết rơi... Phải nói rằng trong lĩnh vực văn chương mạng tại Việt Nam, các nhà văn trẻ chịu ảnh hưởng nhiều của trào lưu văn chương mạng tại Trung Quốc, với những thành công nhanh chóng kiểu “bất ngờ nổi tiếng” như Quách Kính Minh (Ảo thành), Tiêu Đỉnh (Tru Tiên), Bảo Thê (Xin lỗi, em chỉ là con đĩ)… Sự thành công ít nhất về mặt danh tiếng và doanh thu của các cây bút trẻ trong việc đưa tác phẩm lên mạng đã kéo theo cả sự tham gia của những tác giả “không còn trẻ”. Văn chương mạng chứng kiến sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn tuổi, nổi tiếng hoặc chưa nổi tiếng...

Văn chương mạng đã trở thành một phần của đời sống văn học Việt Nam, nhất là khi hàng loạt tác phẩm từ mạng đã được xuất bản chính thức.

Lao đao tìm nhà mới

Đang phát triển mạnh, những tưởng văn chương mạng đã tìm được chỗ đứng cho mình thì bất ngờ, hãng Yahoo, đơn vị sở hữu trang blog Y!360° đã quyết định đóng cửa hệ thống này. Quyết định này đã giáng một đòn chí mạng vào trào lưu văn chương mạng hiện nay, hơn hẳn những bài phê bình nảy lửa trước đó, hay những phê phán về sự không chính thống của dòng văn chương này từ các nhà văn lớn.

Có một nhận xét rất chính xác là chính bạn đọc, hay nói cách khác là những blogger (người viết blog), đã khai sinh ra các tác phẩm văn chương mạng. Họ có thể là tác giả, những người mà trước đó không hề có ý định trở thành nhà văn, hay cũng có thể là bạn đọc, đặc biệt hơn là những ý tưởng gia của tác phẩm, một khái niệm mà chỉ văn chương mạng mới có.

Có nhiều lựa chọn “ngôi nhà” mới cho blogger hiện nay, có thể là blog Y!360° Plus quen thuộc, Worldpress mạnh mẽ, Multiply thân thiện hay Facebook đông đảo… Tuy nhiên, cũng chính vì có quá nhiều “ngôi nhà” khiến cho lượng bạn đọc đông đảo của văn chương mạng cũng phân rã theo. Mà nếu không có bạn đọc trên mạng thì cũng sẽ không có văn chương mạng. Đấy cũng chính là nguyên nhân của tình trạng hiện nay các tác giả văn chương mạng đang nhốn nháo chạy đi tìm một “ngôi nhà” mới khả dĩ thuận lợi cho công việc sáng tác, hay nói đúng hơn là một “ngôi nhà” có đông khách đến thăm.

Trong lúc chờ đợi một ngôi nhà blog, các tác giả văn chương mạng đã tự tìm cho mình một chỗ riêng. Nổi bật nhất là chỉ 2 ngày trước khi blog Y!3600 đóng cửa, nhà văn trẻ Trang Hạ đã giới thiệu trang web www.vanchuongmang.net, với tiêu chí “mang tính chất một blog chung của những người viết văn học mạng, lưu trữ các sáng tác chuyển từ blog Yahoo!360° sang và tiếp tục công bố sáng tác mới”. Ngoài ra, cũng theo những người tổ chức thì sau này, trang web sẽ nâng cấp để cho phép bất kỳ một tác giả nào cũng có thể trực tiếp đăng tải sáng tác mới trên website này một cách bình đẳng và chịu sự biên tập của chính độc giả.

Tuy nhiên, nhiều tác giả cũng như bạn đọc đều cho rằng, dù có thoải mái thế nào thì trang web trên cũng chỉ là một biện pháp “chữa cháy” tạm thời trong khi chưa có một ngôi nhà chung. Bởi vì dù sao, trang web cũng lệ thuộc vào những người quản lý, thiếu đi sự thoải mái như với blog, nơi một blogger tự quyết định mọi thứ liên quan đến sáng tác của mình.

Văn chương mạng trước khi vượt qua thử thách khẳng định giá trị văn học thì đang phải chật vật vượt qua thử thách lớn về sự tồn tại của mình trong không gian số. Và nếu không thể tìm được một hệ thống hạ tầng đông đảo như với Y!360°, sự tồn tại của văn chương mạng có thể sẽ bị đe dọa như nhiều năm trước khi Y!360° chưa xuất hiện.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục