Thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường

vẫn đảm bảo các quyền của dân

vẫn đảm bảo các quyền của dân

Ban Quản lý Dự án hỗ trợ cải cách hành chính TPHCM và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM khu vực 2 vừa tiến hành khảo sát tại TPHCM, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Kết quả khảo sát cho thấy, việc thực hiện thí điểm trên đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận từ đội ngũ cán bộ công chức đến người dân.


Giảm bộ máy, tăng trách nhiệm người đứng đầu

TPHCM là một trong ba TP lớn trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND trên phạm vi 19 quận, 5 huyện và 259 phường. Theo thống kê, sau khi thí điểm, đã có 382 cán bộ HĐND các cấp được bố trí công tác khác. Khảo sát trên đối tượng cán bộ công chức cho thấy, việc sắp xếp này đã không gây xáo trộn về tâm lý và công việc. Một vấn đề khá nhạy cảm phát sinh liên quan đến việc thí điểm này là giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ công tác tại HĐND quận, huyện, phường thuộc diện phải sắp xếp lại được TP thực hiện khá tốt.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuất (trái), Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 5 quận Tân Bình tiếp và giải đáp ý kiến của người dân

Đồng chí Nguyễn Văn Tuất (trái), Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 5 quận Tân Bình tiếp và giải đáp ý kiến của người dân

Qua kết quả khảo sát tại các quận huyện: 1, 6, 12, Phú Nhuận, Bình Tân, Nhà Bè và Bình Chánh cho thấy quy trình từ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm sang bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên UBND quận, huyện, phường được thực hiện khách quan, dân chủ và đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Mặt khác, thời gian và thủ tục bổ nhiệm nhanh chóng, kịp thời hơn nhờ giảm họp và giảm quy trình bàn nhân sự ở các kỳ họp HĐND.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy với 3 quận và 62 phường - xã - thị trấn thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND nêu vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đã được nâng lên. Việc nắm bắt tình hình, đề ra các chủ trương, nghị quyết của Đảng sát với thực tế hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuất, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 5 quận Tân Bình - một đơn vị thí điểm thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch và không tổ chức HĐND - cho rằng, việc thí điểm còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng ỷ lại hay đùn đẩy trách nhiệm giữa hai người đứng đầu Đảng và chính quyền.

Nhiều nơi tiết kiệm được thời gian hội họp và đơn giản các thủ tục hành chính. Nhiều văn bản, giấy tờ không cần thiết cũng giảm hẳn.

Nâng cao vai trò giám sát của MTTQ

Qua khảo sát, 79% ý kiến người dân cho rằng, không còn HĐND quận, huyện, phường nhưng quyền của người dân vẫn được đảm bảo do đã có Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các thành viên của MTTQ “bảo vệ”. Cụ thể, ở phường 4, quận Phú Nhuận, nhiều tranh chấp được giải quyết qua các cuộc hòa giải do các luật gia tổ chức. Những phát sinh trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật tại địa phương cũng thường xuyên được MTTQ nắm tình hình trong nhân dân, sau đó đề đạt, kiến nghị UBND các cấp giải quyết rốt ráo.

Tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thay cho hình thức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND như trước đây, MTTQ phường tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với dân. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân phát huy dân chủ trong xây dựng chính quyền…

Đồng chí Huỳnh Thành Lập, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM đánh giá: Từ khi không còn HĐND quận, huyện, phường, công tác giám sát của các tổ đại biểu HĐND TP đối với các quận, huyện nặng nề hơn. Đơn cử, lúc trước sau các cuộc tiếp xúc cử tri, những vấn đề được người dân phản ánh được giao cho HĐND cấp quận, huyện, phường kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả để người dân biết.

Nay nhiệm vụ này HĐND TP phải kiêm luôn. Để tránh sự “quá tải” cho HĐND TP, theo đồng chí Huỳnh Thành Lập, vai trò của MTTQ là rất quan trọng. Nếu làm tốt công tác tập hợp ý kiến phản ánh của người dân, MTTQ sẽ từng bước thay thế nhiệm vụ của HĐND trước kia.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục