Vấn đề nan giải là chi phí sản xuất tăng, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động

Ngày 23-10, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo “Giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu kép của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM”.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp…

Tăng chi phí sản xuất

Tại hội thảo, PGS.TS. Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ công bố kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu về giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu kép của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Nghiên cứu thực hiện từ ngày 1-10 đến ngày 15-10 với các doanh nghiệp và hiệp hội tại TPHCM, phản ánh các vấn đề cơ bản trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, phát triển. Các vấn đề cơ bản nổi lên từ thực tiễn cung cấp bằng chứng cho các khuyến nghị chính sách và giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và TPHCM cũng như các địa phương. 

Vấn đề nan giải là chi phí sản xuất tăng, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động ảnh 1 Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự hội thảo vào sáng 23-10

Đánh giá tính khả thi của các tiêu chí trong Bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại doanh nghiệp, PGS.TS. Lê Thanh Sang cho hay, bên cạnh các tiêu chí có tính khả thi cao, một số tiêu chí được doanh nghiệp đánh giá có tính khả thi thấp hơn. Cụ thể là các vấn đề: xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc và tất cả người lao động tham gia sản xuất đạt điều kiện; mật độ 4m2/người lao động và khoảng cách 2m/người lao động tại nơi làm việc; có hợp đồng với đơn vị y tế hoặc nhân lực y tế chuyên trách; và đặc biệt là mô hình “3 tại chỗ”; kiểm soát lưu thông và nơi lưu trú của người lao động.

PGS.TS. Lê Thanh Sang nêu rõ, các yêu cầu trên làm tăng chi phí sản xuất quá mức như mô hình “3 tại chỗ” và xét nghiệm; các quy định an toàn quá mức khi người lao động đã tiêm vaccine theo quy định mà vẫn phải xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc, hoặc yêu cầu khó đáp ứng trên thực tế như mật độ và khoảng cách nơi làm việc. Thậm chí, có yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp như tình trạng di chuyển và lưu trú của người lao động.

“Các vấn đề trên cũng phản ảnh cách tiếp cận an toàn nhưng ít chú trọng đến tính hiệu quả của sản xuất và các điều kiện thực tế khi áp dụng Bộ tiêu chí”, PGS.TS. Lê Thanh Sang đánh giá.

Đánh giá tính hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương theo tinh thần của Nghị quyết 105/NQ-CP, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thông tin, nhóm hỗ trợ về tài chính và hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động được đa số các doanh nghiệp đánh giá có mức hiệu quả.

Tuy nhiên, các sự hỗ trợ về  sinh phẩm và quản lý dịch bệnh như nhập khẩu vaccine, thiết bị xét nghiệm, tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh và nhóm hỗ trợ chuỗi cung ứng thì chưa đạt hiệu quả cao.

Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp

Đề cập đến kế hoạch phục hồi sản xuất và các khó khăn của doanh nghiệp, PGS.TS. Lê Thanh Sang thông tin, có 44% và 29% số doanh nghiệp có kế hoạch phục hồi toàn bộ và phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, 31% số doanh nghiệp chỉ phục hồi một phần và 24% chưa xác định thời gian phục hồi sản xuất cụ thể.

Tính bình quân, chỉ 16,2% số doanh nghiệp ít khó khăn, 37,7% có khó khăn và 46,1% rất khó khăn. Các khó khăn này trải rộng từ các vấn đề liên quan đến quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống dịch đến các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, nguyên liệu, chuỗi cung ứng, đến các điều kiện tổ chức sản xuất, và thị trường tiêu thụ. “Vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là chi phí sản xuất tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trở ngại trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động”, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đúc kết.

Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng công bố rõ ràng và nhất quán về chính sách "Thẻ xanh Covid" và di chuyển lao động liên tỉnh. Ảnh: CAO THĂNG

Để thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu kép, các doanh nghiệp kiến nghị công bố rõ ràng chính sách phục hồi, xác định điều kiện, tiêu chí mở cửa thống nhất theo lộ trình từ các bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp chủ động ứng phó. Đồng thời, cần đơn giản hóa quy trình vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan chức năng công bố rõ ràng và nhất quán về chính sách “Thẻ xanh Covid” và di chuyển lao động liên tỉnh. Cùng với đó là phải đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính; tiếp tục giãn nợ tới hạn và cung cấp nguồn vay đủ lớn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất.

PGS.TS Lê Thanh Sang nhấn mạnh, kiến nghị xuyên suốt là trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, là cần xem doanh nghiệp là một đối tác đầy đủ và trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành công tác phòng chống dịch phù hợp với đặc thù ngành nghề. Cần đứng ở góc độ của doanh nghiệp khi ra các quyết sách quản lý, kể cả quản lý phòng chống dịch bệnh Covid 19. Cần đặt niềm tin vào doanh nghiệp, trao cho doanh nghiệp quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm.

“Chiến lược, chiến thuật chống dịch cần lấy người lao động là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, y tế hướng dẫn, và chính quyền hỗ trợ. Mặt khác, cần tham vấn ý kiến của doanh nghiệp trước khi ra các quyết định và doanh nghiệp cần được thông báo trước khi các quyết định có hiệu lực thi hành để chủ động chuẩn bị, tránh bị động ứng phó”, PGS.TS. Lê Thanh Sang nói.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, các kiến nghị trên có quan hệ chặt chẽ với những vấn đề doanh nghiệp đang phải thụ động ứng phó với tình thế khó khăn. Do vậy, cải thiện năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nâng cao vai trò tích cực, trách nhiệm của doanh nghiệp là các yếu tố quan trọng nhất cần được quan tâm.

* TS. TRẦN VĂN KHUYÊN, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn:

Điều chỉnh một số quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội

Huyện Hóc Môn có gần 14.000 doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến nay, huyện chỉ có 480 doanh nghiệp hoạt động trở lại và cũng còn nhiều khó khăn. Huyện đang tập trung cố gắng bao phủ vaccine cho công nhân, người lao động và triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại, công nhân đi làm nhưng không biết gửi con ở đâu vì nhà trẻ, trường học chưa mở cửa. Đây cũng là điều rất khó cho công nhân và các doanh nghiệp.

Đồng hành với doanh nghiệp, huyện Hóc Môn tập trung kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tạo điều kiện doah nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Cùng với triển khai các chính sách hỗ trợ, huyện Hóc Môn cũng điều chỉnh một số quy hoạch để đề xuất TPHCM phát triển nhà ở xã hội. Tiềm năng về đất đai ở Hóc Môn còn khá lớn và chúng tôi sẽ quan tâm việc này.

Chuyển trạng thái sang sống thích nghi với Covid-19, cảnh giác, không lơ là, bình tĩnh nhưng không nên sợ hãi quá vì Covid-19, bởi ý thức của người dân và doanh nghiệp đã hiểu rất rõ cách phòng chống, vaccine cũng đã được bao phủ. Với F0 ở các doanh nghiệp, tôi đề xuất cần bình tĩnh xử lý. Bây giờ hướng dẫn của ngành y tế không yêu cầu người tiêm 2 mũi vaccine rồi phải test thường xuyên mà chỉ test khi có biểu hiện, triệu chứng. Giả sử có biểu hiện, cũng cần bình tĩnh: nếu ở trong doanh nghiệp có nơi lưu trú thì người lao động ở tạm đó một thời gian để cách ly điều trị; nơi phát hiện được khử khuẩn rồi sản xuất bình thường chứ không nên nặng nề quá. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã khá thoáng về vấn đề này và tôi nghĩ cần thoáng ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

* GS.TS. ĐẶNG NGUYÊN ANH, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:

Vaccine rất quan trọng, nhưng bền vững là điều kiện sống

Quyết tâm của Chính phủ và các tỉnh, thành là phục hồi kinh tế - xã hội. Tôi thấy rằng, Bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại doanh nghiệp được thiết kế trong giai đoạn chúng ta đang tiếp cận theo hướng “Zero Covid-19” (không Covid), chứ chưa phải hướng tiếp cận mới là thích ứng với Covid-19. Vì thế, các tiêu chí còn khó với doanh nghiệp, thậm chí nhiều tiêu chí không khả thi: những yêu cầu như một cung đường hai điểm đến, hay ngồi trên xe ô tô chung đi làm thì phải ngồi đúng vị trí hàng ngày… Những yêu cầu này rất khó và không ai kiểm soát được.

Chúng ta quá nhấn mạnh vào vaccine, tôi đồng ý vaccine là quan trọng và then chốt. Nhưng nếu chỉ chú ý vào vaccine thôi thì không bền vững, mà phải chăm lo điều kiện sống tốt hơn cho người lao động. Người lao động, công nhân quay lại làm việc cần điều kiện sống được cải thiện. Chúng ta nói nhiều về an sinh xã hội, nhưng an sinh mới được hiểu chỉ là các gói cứu trợ, mà chưa nói thỏa đáng về việc họ phải sống trong điều kiện tốt, sống vệ sinh, an toàn. Vì thế, công cuộc phòng chống, không phải chỉ có y tế mà còn có các vấn đề xã hội, không chỉ y tế hóa bằng vaccine, mà phải xã hội hóa bằng an sinh. Nếu coi điều kiện sống của người lao động là cái đi sau, chúng ta sẽ lại tiếp tục trả giá nếu có các đợt bùng phát dịch mới và doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, thậm chí kiệt quệ.

* Bà VŨ KIM HẠNH, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao:

Cần chuyển từ 3 tại chỗ sang 3 xanh, thậm chí 4 xanh

Mới đây, tôi bỏ ra 3 tuần để khảo sát 165 doanh nghiệp và thấy các doanh nghiệp có khó khăn về nguồn nhân lực. Tôi cũng đến thăm 10 khu lưu trú của người lao động thì thấy họ vẫn ở lại TPHCM, chỉ có 3-5% về quê. Điều đó cho thấy, khi chủ doanh nghiệp có tầm nhìn xa giữ chân người lao động, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ thêm trong lúc dịch bệnh, thì người lao động ít rời bỏ doanh nghiệp. Trên địa bàn TPHCM, có khoảng 7.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay sau ngày 1-10, nhưng so với tổng số doanh nghiệp của TPHCM thì số hoạt động lại vẫn còn ít lắm.

Có một tham khảo rất tích cực là tại tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp đã không làm “3 tại chỗ” mà chuyển sang làm “3 xanh” là nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh. Tôi vừa nghe thêm còn có 1 xanh nữa. Vấn đề “đau khổ” nhất với doanh nghiệp là có F0 thì nơm nớp lo cách xử lý. Tỉnh Bình Dương yêu cầu doanh nghiệp đều phải lập ra các tổ phản ứng nhanh, kết hợp với trạm y tế lưu động để khi có F0 sẽ lập tức đến xử lý ngay trong vòng 30 phút: đưa F0 trở về nhà để cách ly, khử khuẩn khu vực sản xuất để đưa vào sản xuất trở lại trong vòng 24 giờ. Đây có thể là một công thức xử lý khá là tích cực cần được tham khảo để thích ứng trong tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục