Văn hóa nghệ thuật và phát triển bền vững

“Đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của văn hóa trong thúc đẩy sức khỏe cộng đồng; nếu không có văn học, âm nhạc và phim ảnh, sẽ không ai có thể sống sót trong sự tù túng và căng thẳng”.

Trên đây là nhận định của ông Pablo Raphael, nhà điều phối hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững vừa diễn ra tại thủ đô Mexico City của Mexico, với sự tham dự của đại diện 160 nước thành viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO).

Văn hóa nghệ thuật và phát triển bền vững ảnh 2 Công nghệ đã giúp nghệ sĩ tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách tại các phòng trưng bày triển lãm và bảo tồn các bộ sưu tập
Sự phát triển của công nghệ tạo ra sự thay đổi lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội. Công nghệ có mặt khắp nơi trong cuộc sống hiện đại, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời thúc đẩy quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, và nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Các cơ sở nghệ thuật ngày càng nắm bắt nhiều phương tiện truyền thông mới để trưng bày, quảng bá và bảo tồn các bộ sưu tập của họ, nhằm tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa qua đã làm bộc lộ sự bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ giữa các cộng đồng khác nhau. Cho nên, một trong những mục tiêu của cuộc họp dưới sự chủ trì của UNESCO lần này là tìm cách đảm bảo các nghệ sĩ tiếp cận công nghệ để chia sẻ các tác phẩm của họ. Trong báo cáo mới đây của National Endowment for the Arts mang chủ đề “Tech as Art: Supporting Artists Who Use Technology as a Creative Medium” đã khẳng định, các nghệ sĩ lấy công nghệ làm trung tâm thật đáng để ngưỡng mộ, vì họ đã sẵn sàng đối mặt với những thách thức xã hội và thách thức nghề nghiệp lớn hơn.

Theo Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, một trong những mục tiêu của cuộc họp là tìm cách đảm bảo các nghệ sĩ tiếp cận công nghệ để chia sẻ các tác phẩm của họ. Trong một thế giới phức tạp và thay đổi liên tục, không có cách tiếp cận nào là đủ. Do vậy, tạo ra một chính sách văn hóa công bằng và phát triển bền vững là một quá trình thiết yếu đáp ứng nhu cầu gắn kết mọi người từ các lĩnh vực và quan điểm văn hóa đa dạng lại với nhau là cấp thiết. Các nghệ sĩ tiên phong thử nghiệm công nghệ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng hiểu biết và kết nối xã hội. Họ có thể là những đối tác vô giá cho các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và những người thực hành trong lĩnh vực nghệ thuật và phi nghệ thuật, sao cho văn hóa nghệ thuật là “hàng hóa công cộng toàn cầu” mang lại lợi ích cho tất cả các dân tộc trên thế giới.

Trong 3 ngày của hội nghị, bên cạnh việc tập trung bàn về những thách thức như khả năng tiếp cận công nghệ mới một cách bất bình đẳng của các nghệ sĩ, chương trình nghị sự còn gồm các vấn đề như buôn bán trái phép và quyền sở hữu trí tuệ của các cộng đồng, định vị lại các tài sản văn hóa và các mối đe dọa khác đối với các tài sản văn hóa. Bên cạnh việc đưa ra lộ trình đổi mới để đảm bảo rằng sự đa dạng văn hóa được công nhận là tài sản lớn nhất của nhân loại, từ đó xóa bỏ phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, hội nghị cũng đã thảo luận việc Trái đất ấm lên đang đe dọa trực tiếp đến các di sản văn hóa thế giới. 

Tin cùng chuyên mục