Văn hóa trên xe buýt - Phải từ hai phía

Thái độ phục vụ thiếu lịch sự
Văn hóa trên xe buýt - Phải từ hai phía

Thành phố đang khuyến khích người dân sử dụng xe buýt để hạn chế kẹt xe và thực hiện tiết kiệm. Tuy nhiên, khi nói đến việc đồng hành cùng phương tiện công cộng này, nhiều người lại tỏ ra không mấy “mặn mà”, nguyên nhân phần nhiều do cung cách phục vụ chưa văn hóa trên những chuyến xe…

Buýt vẫn là phương tiện không thể thiếu đối với nhiều người.

Buýt vẫn là phương tiện không thể thiếu đối với nhiều người.

Thái độ phục vụ thiếu lịch sự

Đối với một bộ phận người dân TPHCM và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… từ lâu nay xe buýt là một phương tiện không thể thiếu. Tuy nhiên, vấn đề bị phàn nàn, phản ánh nhiều nhất vẫn là thái độ phục vụ thiếu lịch sự của nhân viên và tài xế.

Bạn Nguyễn Minh Trung, sinh viên Đại học Kỹ thuật Công nghệ cho rằng vẫn còn tình trạng tài xế và nhân viên xe buýt phân biệt đối xử với người đi vé tháng, vé tập, nhất là với các sinh viên. “Sinh viên chúng tôi làm gì có nhiều tiền nên phải chọn vé tháng để tiết kiệm chi phí và chúng tôi thường gặp phải những cái nhìn khó chịu, thái độ cau có của nhân viên xe buýt. Tôi không rành đường nên hỏi thăm các anh chị ấy, nhưng nhiều lúc họ cứ trả lời cộc lốc, không đầu không đuôi”, Minh Trung cho biết.

Chúng tôi đón chuyến xe buýt số 3 (tuyến Bến Thành – Thạnh Lộc) tại ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu. Theo quan sát của chúng tôi, phần nhiều xe của tuyến này đã cũ kỹ, xe chạy cứ kêu còng cọc, máy nổ ầm ầm. Buổi trưa trời khá nóng, trên xe đã có khoảng 20 hành khách nhưng bác tài vẫn không mở máy lạnh. “Làm ơn mở máy lạnh giùm, nóng quá bác tài ơi!”, một hành khách chừng 50 tuổi lên tiếng. Cô nhân viên lập tức ném về phía người khách cái nhìn khó chịu, trong khi tài xế hững hờ: “Mở cửa sổ đi, mở máy lạnh hao dầu lắm”. “Sao lại hao, xăng dầu nhà nước đã có chế độ hỗ trợ hết rồi mà”. Cô nhân viên lại liếc ông khách một cái rõ dài rồi quay sang rỉ tai với tài xế. Chừng như nhận ra mình bị hớ và một phần cũng đuối lý, anh tài xế sau đó mới chịu bật máy lạnh. Qua lại trên nhiều chuyến xe buýt mới thấy, việc trao đổi của hành khách và tài xế, nhân viên buýt ít khi chịu dừng lại ở mức ôn hòa như thế.

Hành xử văn hóa phải từ hai phía

Công tâm mà nói, để xây dựng được những hình ảnh đẹp, một thái độ ứng xử văn minh trên buýt mà chỉ đề cập đến tài xế và nhân viên xe buýt thôi thì chưa đủ. Thực tế nhiều người khi đi xe buýt cũng có hành vi ứng xử thiếu văn minh, lịch sự. Dù đã có nội quy hẳn hoi nhưng nhiều người lên buýt vẫn chen lấn, ăn uống xả rác trên xe. Nhiều bạn trẻ lên xe cố ngồi ghế trên, vốn được dành cho người lớn tuổi, khuyết tật hay phụ nữ mang thai, trong lúc xe vẫn còn nhiều ghế trống. Có người lại thiếu ý thức khi vô tư mở cửa kính và hút thuốc trong khi xe đang mở máy lạnh; có bạn trẻ còn giả vờ ngủ để không phải nhường ghế cho người lớn tuổi.

Khoảng 20 giờ 30, từ bến xe Chợ Lớn, chúng tôi đón chuyến xe buýt cuối số 150 tuyến Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn. Xe tranh thủ rước những sinh viên cuối cùng. Anh nhân viên vẻ mặt đờ đẫn, mệt mỏi vì phải đi về liên tục. Xe tới ngã tư Bình Thái, bất chợt nghe anh nhân viên cau có: “Trời đất ơi, có say xe thì nói người ta đưa bịch ni lông cho, để ói tùm lum trên ghế vậy đó coi có được không?”. Mọi ánh mắt nhìn về người đàn bà chừng 55 tuổi và con gái khoảng 12-13 tuổi ngồi hàng ghế phía trên. “Ai biểu xe mấy ông chạy cà giựt cà giựt làm chi, nó không ói sao được”. Giọng điệu trả miếng của bà khiến anh nhân viên nổi xung: “Cà giựt cái gì. Con bà say xe thì bà nói tui đưa bịch cho mà ói, bây giờ ói cả lên ghế xe người ta rồi còn nói giọng đó hả? Giờ bà tính sao đây?”. “Có gì đâu, nó con nít biết gì, chú làm gì la dữ vậy” - người phụ nữ vẫn cố “trả treo” thay vì chỉ cần bà nói một tiếng xin lỗi, có lẽ anh nhân viên đã không gắt gỏng và lớn tiếng như vậy.

Vận động đi xe buýt, để người dân tiết kiệm chi phí trong cơn lạm phát và khó khăn hiện nay, cũng là cách chăm lo thiết thực của TP với lao động nhập cư và người có thu nhập thấp. Việc xây dựng văn minh xe buýt đòi hỏi mọi người cùng tôn trọng nhau, hành xử văn hóa bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Minh An

Tin cùng chuyên mục