Vẫn lo khi học sinh trở lại trường

Quyết định thí điểm dạy học trực tiếp trong 2 tuần đối với học sinh ba khối 1, 9 và 12 của UBND TPHCM được xem là bước đi thận trọng nhằm đánh giá lại tình hình trước khi mở rộng đối tượng học sinh đến trường học trực tiếp. Thời điểm hiện tại, hầu hết học sinh hai khối 9 và 12 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên trở lại trường là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại tỷ lệ “phủ” vaccine của học sinh hiện nay chưa đạt 100%.
Việc cho học sinh đi học trở lại đang là mối lo của phụ huynh hiện nay
Việc cho học sinh đi học trở lại đang là mối lo của phụ huynh hiện nay

Riêng đối với học sinh lớp 1, chị Minh Trang, phụ huynh có con năm nay học lớp 1, Trường Tiểu học N.V.X (quận Gò Vấp) lo lắng con không quen đeo khẩu trang trong suốt buổi học. Một số yêu cầu của ngành y tế như hạn chế hoạt động giao tiếp gần trong lớp học, bố trí chỗ ngủ trưa cho học sinh cách nhau tối thiểu 1m rất khó thực hiện trong bối cảnh trường lớp và sĩ số hiện tại… 

Đồng quan điểm, anh Minh Tuấn, phụ huynh có 2 con năm nay học lớp 1 và lớp 4 Trường Tiểu học L.V.T (quận 12) chia sẻ, trường của 2 con trú đóng trên địa bàn có nhiều khu nhà trọ lụp xụp, chật chội đông người ở, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy đề cập đến việc test nhanh định kỳ cho học sinh khi trở lại trường học. “Các văn bản hướng dẫn mới tập trung vào việc xử lý khi phát hiện F0, chưa quan tâm đến việc tầm soát để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm”, phụ huynh này lo lắng.    

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định “thời khóa biểu dạy học trực tiếp thay đổi theo cấp độ dịch của từng khu vực do UBND TPHCM công bố hàng tuần” khiến nhiều gia đình không thể sắp xếp thời gian đưa đón con. Tới đây, khi đối tượng thí điểm dạy học trực tiếp mở rộng đối với bậc mầm non, hàng loạt vấn đề khác sẽ được đặt ra như: tổ chức bữa ăn bán trú, bố trí chỗ ăn, ngủ cho học sinh, quy định khu vực đón và trả trẻ dành cho phụ huynh, vệ sinh, khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi trong lớp học… 

Cùng với việc thí điểm mở cửa trường học, TPHCM cũng bước đầu cho phép các trung tâm ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng sống hoạt động trở lại. Đây là một trong những đòi hỏi tất yếu của việc tái lập cuộc sống “bình thường mới” nhưng sẽ làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế trước đây cho thấy nhiều trường hợp học sinh bị lây bệnh ở ngoài trường học. Do đó, công tác tổ chức và giám sát hoạt động đối với các loại hình đào tạo ngoài nhà trường cần được quản lý hết sức nghiêm ngặt. 

Có thể thấy, yếu tố an toàn luôn được cơ quan quản lý đặt lên hàng đầu khi mở cửa trường học. Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh cần sự vào cuộc của nhiều sở, ngành cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình học sinh, cùng ý thức tự giác của bản thân người học, tránh mở cửa trường rồi lại đóng gây hoang mang xã hội, đồng thời xáo trộn quá trình học tập của các em. 

Tin cùng chuyên mục