
LTS: Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong nước liên tục xảy ra những vụ trọng án, hành xử bạo lực, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về đạo đức xã hội. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến phân tích và tìm giải pháp đối với vấn nạn này.
Hạn chế rượu bia
Việc tiêu thụ rượu bia nhiều có thể mang lại lợi ích kinh tế trước mắt cho các địa phương, nhưng những hậu quả của tình trạng lạm dụng rượu bia đối với cá nhân, gia đình và xã hội lại khá nặng nề. Nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy rượu bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi gây hấn và bạo lực của các cá nhân trong xã hội. Bên cạnh việc hành xử bạo lực, việc sử dụng rượu bia còn khiến cá nhân dần rơi vào sự cô lập xã hội. Khi chỉ còn gắn bó với bạn nhậu, cá nhân sẽ tăng dần liều lượng, tần suất sử dụng rượu bia và lệ thuộc vào rượu bia. Đồng thời khi bị cô lập xã hội, những người nghiện rượu sẽ dễ rơi vào trạng thái bị kích động và đáp trả lại người khác vì cảm thấy mình bị cô lập, kỳ thị…
Do đó, nếu giao trách nhiệm giảm bạo lực khi dùng rượu bia cho ngành y tế thì có lẽ không thích hợp, vì ngành y tế chỉ có thể cảnh báo về những hiểm họa do rượu bia gây ra cho sức khỏe con người mà thôi. Giải pháp mang tầm vĩ mô là làm sao thắt chặt việc sản xuất và khuếch trương rượu bia trong xã hội, làm sao cho việc tiếp cận bia rượu trở nên khó khăn hơn đối với mọi người.
Thạc sĩ xã hội học LÊ MINH TIẾN
Ngăn chặn thói hung hăng
Có nhiều cách đánh giá khác nhau về nguyên nhân và điều kiện của tình trạng hành xử bạo lực đang diễn ra hiện nay. Trước hết là do ý thức đạo đức xuống cấp. Nhiều hành vi lệch chuẩn, trái với đạo đức truyền thống nhưng không bị xã hội lên án mạnh mẽ như trước đây; nhiều mối quan hệ xã hội đang bị thương mại hóa do bị chi phối bởi đồng tiền.
Một nguyên nhân nữa cũng hết sức quan trọng là do trình độ hiểu biết và thực thi pháp luật của người dân còn thấp. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với từng loại đối tượng và địa bàn dân cư, thường nội dung phổ biến chỉ đến với những người tốt, người có trình độ văn hóa. Có nhiều thanh thiếu niên phạm pháp đã lớn lên trong những gia đình có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, khó khăn về kinh tế, hoặc cha mẹ lo kiếm tiền, phó thác việc dạy dỗ con cái cho nhà trường và xã hội, nếu có quan tâm thì phương pháp và nội dung giáo dục lại không phù hợp.

Qua việc vận động các băng nhóm giao nộp hung khí, công an thu được nhiều vũ khí, trong đó có các loại súng ngắn. Ảnh: THANH HẢ
Để từng bước ngăn chặn và hạn chế hành xử bạo lực, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật với toàn xã hội. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng và phù hợp với trình độ dân trí. Có thể đề ra một số biện pháp khả thi răn đe, giáo dục, cũng như tăng cường giáo dục lòng nhân ái trong gia đình, làng xóm, biết đùm bọc thương yêu lẫn nhau; vận động tốt phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu phố lành mạnh, văn minh; giải quyết các bất hòa, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn các yếu tố tác động xấu. Xử lý nghiêm minh các vụ án bạo hành song song với việc nâng cao hiệu quả của các tổ hòa giải ở cơ sở.
LÊ QUANG HUY (GV Trường THCS Trừ Văn Thố, TX Cai Lậy, Tiền Giang)
Quan tâm vai trò của giáo dục
Trong những giải pháp cho vấn nạn hành xử bạo lực, có một giải pháp căn cơ cần đặc biệt quan tâm, đó là phát huy vai trò của giáo dục. Trên thực tế, vai trò của nhà trường có ý nghĩa quan trọng trong việc dạy lễ, dạy ứng xử văn hóa, nhân văn cho con người.
Rõ ràng hiện nay việc giáo dục đạo đức, giáo dục làm người trở nên vô cùng quan trọng và cấp bách. Một em nhỏ được dạy biết quý trọng tài sản của mình, của người khác, của cộng đồng, hẳn khó có hành động phá hoại, tước đoạt tài sản của người khác. Một học sinh được dạy biết giữ lễ đúng mực với thầy cô, với người lớn, với bạn bè, hẳn không hành xử bạo lực, dù khi rơi vào hoàn cảnh bị ức chế. Hay khi các em được dạy biết nhường nhịn bạn bè, biết chia sẻ khó khăn với các bạn, hẳn sẽ khó trở nên ích kỷ, giành giật lợi ích với người khác, hoặc vô kỷ luật, vô trật tự khi ứng xử. Hoặc khi các em được dạy, hiểu được ý nghĩa và thực hành đầy đủ, đúng đắn việc cúi chào, vòng tay thưa gửi, xin lỗi, cảm ơn…, hẳn sẽ không trở nên vô lễ, vô cảm với người khác, với cuộc sống.
Nếu các em được dạy dỗ biết tuân thủ những nguyên tắc thường nhật trong cuộc sống, như đi thưa về trình, đi bên phải đường, biết giúp đỡ người già và trẻ nhỏ, không xả rác bừa bãi, không văng tục…, hẳn có những tiền đề để thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh và không đến nỗi hành xử thô lỗ, bạo lực… Tức là cần xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa trong mỗi con người trên một nền tảng giáo dục.
Thực tế ở nhà trường và gia đình hiện nay, các vấn đề dạy làm người đó đã được thực hiện đến đâu, phát huy ý nghĩa thực tiễn thế nào? Câu hỏi này không chỉ dành cho ngành giáo dục mà dành cho toàn xã hội.
Đừng để học sinh có thể biết rất nhiều thứ, làm được nhiều việc nhưng không biết cách làm một con người hành xử văn hóa, văn minh, tôn trọng bản thân và người khác. Và, đừng để học sinh khi trưởng thành có kiến thức để sáng tạo được nhiều thứ, nhưng những thứ ấy lại để làm hại người khác, tước đoạt lợi ích người khác, thì cách thức giáo dục đó, nền giáo dục đó hỏng hoàn toàn! Vì vậy, phải triệt để đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục đạo đức, giáo dục làm người trong nhà trường.
TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)