Tan cửa, nát nhà, nợ nần vây quanh, gia đình xào xáo là thực trạng hiện nay của những gia đình có người lỡ “dính” vào con “ma đề”. Tệ chơi số đề từ thành thị đã lan nhanh về nông thôn và không ít những gia đình phải bán cả lúa non để trả nợ… đề! Con “ma đề” ở nông thôn thường núp bóng các quầy bán thuốc lá, vé số lẻ hoặc mấy người bán vé số dạo (kiêm chân rết đường dây ghi đề).
Ở quận 12 cũng có nhiều chuyện buồn từ con “ma đề”. Cứ độ tầm 16 giờ là những người mê đề bỏ hẳn công việc, túm tụm ở mấy cái quán cóc đầu làng, những điểm xổ số để bàn tán về những con số được hình thành từ những giấc mơ, những vật thể bất kỳ mà họ bắt gặp đâu… từ ngày hôm trước. Khi nhà đài bắt đầu phát kết quả xổ số thì mọi người tự động im bặt, nhiều gương mặt căng thẳng, hồi hộp đợi chờ, hy vọng. Để rồi sau đó cả đám người tiu nghỉu, thẫn thờ lê bước về nhà.
Từ một cơ ngơi sản xuất tiểu thủ công nghiệp ăn nên làm ra, chị Xuân đã gần như trắng tay cũng bởi vì lậm con “ma đề”. Trang thiết bị, dụng cụ sản xuất lần lượt ra đi. Mới đây, do bị truy nợ gắt quá chị đành bán nốt căn nhà ở vùng ven quận 12 để giải quyết nợ nần, sau đó dắt díu gia đình lên vùng sâu ở Củ Chi tá túc với người chị bà con.
Gia đình anh Út trước đây sống hạnh phúc với một tiệm tạp hóa kha khá, nhưng cũng vì mê đề mà ly tán. Người vợ giận chồng mê đề hơn mê vợ nên bỏ về sống ở một ngôi chùa ngoài Long Thành (Đồng Nai). Con cái tha hương mỗi đứa một nơi. Giờ đây anh Út vào ra thui thủi một mình trong cái quán nước nhỏ xíu. Vậy mà hình như anh vẫn chưa ngộ ra. Chắt mót được đồng nào từ cái quán cóc lèo tèo là anh cúng hết cho ma đề.
Dịch đề lây lan về vùng nông thôn tạo ra nhiều hệ lụy cho những gia đình lỡ có người thân vướng vào. Nhiều người được cha mẹ để lại cho khá nhiều đất đai, nhà cửa nhưng từ khi những của cải ấy rồi cứ vơi dần một đi không trở lại. Cha, mẹ mê đề đến độ bỏ quên con cái khiến chúng xao lãng việc học hành, bê tha, lêu lổng…
Trịnh Hải