Vấn nạn tận diệt khoáng sản - Lãng phí, thất thoát tài nguyên

Mạnh ai nấy đào
Vấn nạn tận diệt khoáng sản - Lãng phí, thất thoát tài nguyên

Đất nước Việt Nam được ví là “rừng vàng, biển bạc”, nguồn tài nguyên vô giá được thiên nhiên ban tặng, trải dài khắp cả nước. Tuy nhiên, tai họa cũng bắt đầu từ đây, khi hiện nay nhà nhà, người người đua nhau đào bới khai thác vô tội vạ khiến nhiều loại tài nguyên dần cạn kiệt.

Người dân xã Mỹ Thành (Phù Mỹ, Bình Định) lo ngại việc khai thác titan sẽ làm sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Người dân xã Mỹ Thành (Phù Mỹ, Bình Định) lo ngại việc khai thác titan sẽ làm sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Mạnh ai nấy đào

Theo khảo sát của Viện Tư vấn phát triển (CODE), đến năm 2007 có gần 1.700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, tăng gấp 4 lần so với năm 2000, bình quân tăng 21,7%/năm. Tính đến thời điểm hiện nay, con số này lên 20.000 doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản rải đều khắp đất nước. Đó là chưa kể nạn khai thác không phép rầm rộ ở khắp mọi nơi, không thể thống kê, ngăn chặn được. Với lực lượng khai thác khoáng sản chính quy, dù có giấy phép nhưng do quy mô hoạt động nhỏ nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. Riêng những đối tượng hoạt động chui với tiêu chí chính “ăn xổi ở thì” nên đã mặc sức tung hoành gây nên cảnh bát nháo trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các địa phương.

Tình trạng khai thác vàng trái phép trên sông Dak Sa (Quảng Nam) tàn phá môi trường. Ảnh: Nguyên Khôi
Tình trạng khai thác vàng trái phép trên sông Dak Sa (Quảng Nam) tàn phá môi trường. Ảnh: Nguyên Khôi

Báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái cho thấy, địa phương có trên 100 đơn vị khai thác khoáng sản, đa phần quy mô nhỏ. Trong khi đó, tình trạng khai thác khoáng sản tự phát lại lấn át. Tại các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên tình trạng đãi vàng sa khoáng, cát sỏi luôn ngấm ngầm diễn ra. Cảnh quan núi đá đẹp ở khu vực huyện Lục Yên và hồ Thác Bà đã bị tàn phá do nạn khai thác khoáng sản trái phép.

Tương tự, tại các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền Trung, từ Ninh Thuận đến Thanh Hóa, tình trạng khai thác khoáng sản cũng xảy ra tràn lan. Đơn cử, tại Thanh Hóa, trong số gần 250 tổ chức, cá nhân hoạt động, chế biến đá chỉ có 17 dây chuyền nghiền sàng liên hợp sản xuất đá hợp chuẩn, 6 đơn vị sản xuất đá ốp lát đầu tư công nghệ tiên tiến.

Trong khi đó, hiện tượng khai thác lậu lại hoạt động liên tục với đủ loại thiết bị thô sơ, làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Tại tỉnh Đắc Lắc rộ lên tình trạng khai thác khoáng sản không phép một cách công khai. Theo điều tra sơ bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này, trong tổng số 329 tổ chức, cá nhân đang chế biến, khai thác khoáng sản trên địa bàn chỉ có 53 tổ chức, cá nhân có giấy phép hoạt động. Theo một giám đốc doanh nghiệp trong ngành, tuy không phép nhưng khai thác khoáng sản chui lại diễn ra công khai. Đáng lo ngại hơn, tại các địa phương có nhiều khoáng sản kim loại và phi kim loại như Krông Bông, Krông Pắk, Ea Súp, Lắk, Ea H’leo, Cư Kuin... đang phát triển rầm rộ nhiều công trường khai thác đá granít, đất sét, cát, than bùn...

Cuốc, xẻng và rổ tre

Theo số liệu thống kê, Việt Nam luôn tự hào có 5.000 điểm mỏ với hơn 60 loại khoáng sản. Trong đó, có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như bauxite, titan, đất hiếm, than và loại có giá trị cao như dầu mỏ, vàng, uranium... Với số lượng 20.000 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản như vậy bình quân mỗi điểm mỏ có 4 doanh nghiệp đào bới. Chưa kể, đội quân khai thác chui luôn gấp 4 lần với dụng cụ hết sức thô sơ, đã khiến khoáng sản bị tận diệt.

Theo các nhà khoa học, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác khoáng sản ở nước ra rất cao. Cụ thể, khai thác than hầm lò tổn thất từ 40%-60%, apatit từ 26% - 43%, dầu khí từ 50% - 60%... Vì đâu dẫn đến tình trạng này? Câu hỏi này được ông Nguyễn Trọng Khôi, Giám đốc Công ty CP Nhựa Nam Phát tại TPHCM, đã có quá trình tham gia khai thác khoáng sản, trả lời: Tình trạng khai thác bát nháo, chồng lấn nhau không theo quy hoạch và sử dụng máy móc lạc hậu, thô sơ đã làm chảy máu tài nguyên. Doanh nghiệp chỉ cần đầu tư một máy múc, một máy sàng vài triệu đồng hay một cá nhân chỉ cần cái cuốc, xẻng và một cái rổ tre cũng có thể khai thác khoáng sản.

Quả vậy, hình ảnh dễ thấy tại các mỏ hầm khai thác vàng hay những vùng sa khoáng đều minh chứng được điều này. Tại huyện Hàm Tân, Hàm Thuận tỉnh Bình Thuận, người dân tự sắm dụng cụ đào đãi cát đen và bán với giá như cho, chỉ 700.000 - 800.000 đồng/tấn. Theo một chuyên gia về sa khoáng, nếu tinh chế ra titan, giá bán khoáng sản này lên đến 2.500 - 3.000 USD/tấn. Còn theo ông Khôi, nếu phân loại ra đến công đoạn ilmenit, rutil và zircon, giá bán gấp 2 lần cát thô, còn nếu tinh chế đến 90% titan, giá bán sẽ gấp 4 lần. Thêm vào đó, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác rất cao vì khai thác thủ công nên đa số các mỏ nhỏ hiện chỉ lấy được những phần giàu nhất, bỏ đi toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng...

Các chuyên gia trong ngành khai khoáng đều cho rằng, tất cả thực trạng bát nháo, lãng phí diễn ra lâu nay trong lĩnh vực khai thác khoáng sản là do công tác quản lý yếu kém. Cụ thể, Luật Khoáng sản dù đã hai lần sửa đổi nhưng chưa thể đi vào thực tế. Quy hoạch, quản lý địa phương không theo kịp thực tế đã khiến tình trạng khai thác tận diệt khoáng sản ngày càng nở rộ.

Theo khảo sát của CODE, tổng vốn đầu tư vào ngành khai khoáng năm 2000 đứng thứ 6/18 và từ năm 2005 đến 2008 đứng thứ 5/18 so với các ngành khác trong tổng đầu tư cả nước. Tổng vốn đầu tư cho công nghiệp khai mỏ năm 2008 gần 51.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,3 lần năm 2000 (9.588 tỷ đồng). Tốc độ tăng vốn đầu tư trung bình từ năm 2000 - 2008 khoảng 23,2%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào GDP/tổng vốn đầu tư ngày càng giảm. Năm 2000, đạt 4,44 lần, đến năm 2008 chỉ còn 2,59 lần. Công tác quy hoạch khai thác khoáng sản tại các địa phương tiến hành rất chậm. Đến tháng 9-2009, mới có 47/63 tỉnh, thành hoàn thành quy hoạch khoáng sản tại địa phương, nhưng việc khoanh định các vùng hạn chế, vùng cấm hoạt động, dự trữ khoáng sản chưa được chú trọng.

Thiệt hại kép
 

Đằng sau tình trạng khai thác tận diệt khoáng sản, ngoài thất thoát tài nguyên, thiệt hại kinh tế, hệ quả để lại là môi trường bị tàn phá, đời sống người dân địa phương phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật và oằn mình gánh chịu nhiều hệ lụy để lại.

  • Nguy cơ dịch bệnh, hủy hoại môi trường

Kết quả thanh tra của Bộ TN-MT về tình hình chế biến, khai thác khoáng sản (KTKS) trên cả nước cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) khi đã được phê duyệt dự án lại đầu tư chậm hoặc không làm tốt công tác bảo vệ vùng nguyên liệu. Thêm vào đó, nhiều tổ chức, DN sản xuất chế biến gần khu dân cư, không có ý thức bảo vệ môi trường, công tác khôi phục môi trường sau khai thác chưa tốt nên môi trường ở một số nơi bị ô nhiễm nặng. Hậu quả là tình trạng loạn KTKS đang gây tác hại khôn lường ở nhiều nơi.

“Hễ địa phương nào có khoáng sản, môi trường xuống cấp cực nhanh. Trong khi kinh tế địa phương đó càng nghèo đi thì lại có những thứ phát triển rất nhanh, xuất hiện hàng loạt như: tệ nạn mại dâm, ma túy…” - một cán bộ trong đoàn thanh tra của Bộ TN-MT nhấn mạnh.

Khảo sát của Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tại khu vực mỏ sắt xã Tân Pheo (Đà Bắc, Hòa Bình) cho thấy, phần lớn dân nơi đây không được cung cấp thông tin chính xác về dự án này. Họ không được tham vấn ý kiến khi DN mở rộng diện tích sản xuất và lắp đặt các dây chuyền mới. Hay tại tỉnh Cao Bằng, DN thậm chí còn được cấp phép khai thác mỏ vàng trên diện tích đất lúa, đất rừng. Khi DN khai thác, cả địa phương cũng như người dân đều không biết. Đặc biệt là các hoạt động khai thác mỏ lộ thiên như than, quặng… đang phá vỡ cân bằng sinh thái và điều kiện địa chất đã có hàng chục ngàn năm, gây ô nhiễm nặng đến môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Lài, Trung tâm Môi trường công nghiệp Viện Khoa học công nghiệp mỏ - luyện kim của Bộ Công thương, một số khu vực KTKS thường có khả năng hình thành dòng axit mỏ do chất độc tồn dư trong quặng thải. Ngoài ra, chất xyanua, xantat trong quá trình tuyển quặng đang hoành hành dữ dội tại nhiều điểm mỏ, nổi bật là hai mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) và Trà Năng (Lâm Đồng).

Đồng quan điểm này, PGS.TS Hồ Sĩ Giao, Hội Khoa học và công nghiệp mỏ Việt Nam, cho rằng, quá trình khai thác mỏ phục vụ phát triển kinh tế đã làm biến dạng môi trường xung quanh đến mức báo động. Đơn cử, điểm nóng vùng than Quảng Ninh, tuy diện tích khai thác than chỉ chiếm 2,9% diện tích toàn tỉnh, nhưng đã làm mất 750ha rừng. Bên cạnh đó, việc khai thác gỗ không đúng kỹ thuật cũng làm mất hơn 34.000ha rừng. Tác động gây hại nhất của khai thác than là chất thải gây bồi lấp hạ nguồn.

Đối với mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), các chuyên gia cảnh báo, mỏ có chứa xen kẽ các ổ quặng sunphua (trữ lượng 12 triệu tấn) có nguy cơ xuất hiện dòng chảy axit đe dọa tính đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước (biển) của khu vực. Với tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, nếu tính đầy đủ toàn dự án (6 tổ hợp khai thác), nhu cầu nước của khu vực sẽ ở tình trạng báo động. Các mỏ khai thác vật liệu xây dựng làm phát tán khí độc hại ra khu vực xung quanh, gây xơ cứng đất nông nghiệp, hủy diệt môi sinh.

  • Quản lý: chồng chéo, bất cập

Thực tế, việc KTKS diễn ra công khai, trên phạm vi toàn lãnh thổ nước ta. Do đó, các nhà quản lý không thể ngụy biện rằng, các đối tượng KTKS hoạt động quá tinh vi nên khó phát hiện, xử lý. Trái lại, hầu hết những người có trách nhiệm tại các cơ quan chức năng đều nhìn thấy rõ thực trạng đau lòng trong việc tận diệt KTKS, nhưng lại lúng túng trong tổ chức, phân cấp quản lý. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong lần trả lời báo chí mới đây cũng thừa nhận diễn biến phức tạp và sự chồng chéo trong quản lý KTKS. Từ đó, dẫn tới tình trạng cấp phép KTKS tràn lan, dự án chồng dự án.

Theo điều tra của Viện Tư vấn phát triển (CODE), tình trạng cấp phép hoạt động KTKS không theo quy hoạch, tràn lan, chia nhỏ để cấp phép hoặc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực, khai thác chưa có hồ sơ thiết kế diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Đặc biệt, nạn KTKS không phép, tự do chưa được ngăn chặn. Một số khoáng sản có trữ lượng lớn liên tục bị cắt nhỏ để tiện cho việc cấp phép khai thác…

Đơn cử, tại Quảng Ninh dù đã tồn tại hàng chục năm trước nhưng ngành KTKS mới được triển khai từ năm 2008-2009 với con số khiêm tốn năm sau thấp hơn năm trước. Hiện nay, hoạt động của một mỏ KTKS do nhiều bên chịu trách nhiệm quản lý, giám sát gồm Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh thành.

Một cán bộ thuộc CODE nhận xét, do quá nhiều đơn vị cùng tham gia, nhưng không có sự thống nhất về cách thức tổ chức quản lý, mạnh ai nấy làm nên đã tạo kẽ hở buông lỏng quản lý để các tổ chức, cá nhân lợi dụng “qua mặt”. Chính vì vậy, khi xảy ra sự vụ mới có phối hợp giải quyết, nhưng đến phần quy trách nhiệm đành bỏ ngỏ.

Một nghịch lý nữa đang xảy ra với ngành KTKS hiện nay, thay vì chính quyền địa phương nơi quản lý phải biết được phạm vi trách nhiệm được giao của những mỏ trên địa bàn, nhưng họ lại không được biết, thậm chí phụ thuộc vào DN. Chuyện này được Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận: “Ở Bình Định, DN báo cáo đến đâu hay đến đó. Mang tiếng là giám sát, quản lý DN KTKS nhưng sở không biết họ khai thác bao nhiêu và trữ lượng hiện có bao nhiêu?”.

Tất cả những bất cập trên, theo Phó Viện trưởng CODE Phạm Quang Tú, nguyên nhân xuất phát từ việc thực hiện phân cấp quản lý về khoáng sản của Luật Khoáng sản hiện hành tạo ra nhiều kẽ hở, do có nhiều cơ quan tham gia nhưng thiếu cơ chế phối hợp nên hiệu quả quản lý yếu kém.

Lạc Phong - Thủy Tiên

Tin cùng chuyên mục