Dịch cúm gia cầm

Vẫn rình rập

Vẫn rình rập

Sau khi tạm khống chế được dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có hẳn một kế hoạch hành động nhằm khôi phục và phát triển đàn gia cầm. Trong đó, có một nội dung quan trọng là đến năm 2006 sẽ khống chế được dịch cúm gia cầm trong cả nước, tiến tới thanh toán dịch H5N1 trên gia cầm. Tuy nhiên...

Hà Tây là tỉnh chăn nuôi gia cầm lớn nhất ở phía Bắc. Sau khi dịch cúm gia cầm tạm lắng xuống, một bộ phận người dân đã bỏ luôn nghề chăn nuôi gia cầm vì không có vốn, phần đông còn lại vẫn tiếp tục tổ chức chăn nuôi. Điều đáng lo là người dân chẳng mấy quan tâm đến quy định của ngành thú y là nuôi cách xa nơi ăn ở, có tường rào hoặc chuồng trại.

Vẫn rình rập ảnh 1

Phun thuốc phòng chống dịch cúm gia cầm ở một trang trại chăn nuôi.

Tại xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ – Hà Tây, anh Đỗ Văn Thưởng hàng tháng cung cấp khoảng vài trăm con gà giống cho những người chăn nuôi cùng xóm nói rằng cả mảnh đất nhà anh rộng chưa được 200m2, nên chẳng làm sao đáp ứng được các quy định.

Xóm anh Thưởng nằm kề ngay trại gà của Công ty CP. Mỗi gia đình ở đây nhiều thì nuôi vài trăm con, ít thì vài chục con; nếu dịch cúm tái phát thì khó mà chặn được sự lây lan sang các trại nuôi gà lớn.

Anh Trịnh Viết Tiến, chủ một cơ sở nuôi của Công ty gà CP bức xúc: “Hàng tuần, chúng tôi đều phun thuốc khử trùng, phủ nylon cho các cơ sở nuôi nhưng cũng chẳng dám chắc khi khu vực xung quanh bị dịch mà trại gà của chúng tôi thoát được. Chăn nuôi như thế này phập phù lắm”.

Khác với xã Lam Điền, ở xã Thụy Hương lại có mối đe dọa nguy hiểm phổ biến khác – vịt thả rông. Mỗi ao, hồ, sông, ngòi ở đây đều có những đàn vịt được người dân thản nhiên thả nuôi. Vừa trông thấy chúng tôi tới, anh Mạc Trung Quân, một chủ cơ sở nuôi gà đẻ trứng ở đây đã vội vã đóng cửa lại và yêu cầu không được tiếp cận với đàn gà. Rồi anh chỉ ra các sông hồ lân cận nói: “Đấy, nếu những con vịt kia mang trùng bay trong không khí mà nhiễm vào thì cả vạn con gà của chúng tôi chết là cái chắc”.

Cũng tương tự như Hà Tây, tại các địa phương chăn nuôi gia cầm nhiều như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng... hầu hết đều chưa có động tác quy hoạch tổ chức lại chăn nuôi như chương trình hành động được Bộ NN-PTNT đưa ra. Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN–PTNT) Bùi Quang Anh phàn nàn, sau khi dịch cúm H5N1 có dấu hiệu lắng xuống, nhiều địa phương đã buông lỏng kiểm soát vận chuyển gia cầm, trong khi đó, việc quy hoạch tổ chức lại chăn nuôi hầu như chưa triển khai được.

Ông Chu Văn Thưởng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tây lý giải: Tâm lý người dân còn chủ quan lắm. Hơn nữa, theo quy định của Bộ NN-PTNT, chỉ hình thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp mới phải đăng ký với UBND và các cấp có thẩm quyền, còn chăn nuôi nông hộ thì chưa. Vì vậy, việc nông dân chăn nuôi một cách tự do chưa có quy hoạch là chuyện phổ biến. Mặt khác, chúng ta đề ra quy hoạch lại chăn nuôi, nhưng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hầu như đều bắt đầu từ con số 0 nên khó có thể cấm người dân nuôi tự do được.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cũng thừa nhận là không thể ngăn chặn người dân nuôi gia cầm ngay được nhưng khẳng định ngay lập tức sẽ chỉ đạo ngành thú y triển khai cuộc vận động sâu rộng để “lên dây cót” cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tới người dân. Còn việc quy hoạch lại ngành chăn nuôi, trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ để chuyển đổi một bộ phận chăn nuôi nông hộ lên hình thức chăn nuôi bán công nghiệp ở một số địa phương trọng điểm, nhưng sớm nhất cũng phải sang năm 2006 mới thực hiện được.

Trong tình hình đó, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng sẽ khiến cho nguy cơ tái phát dịch cúm vẫn luôn rình rập trong phạm vi cả nước. 

VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục