Việc ban hành Thông tư quản lý game online

Vẫn tiếp tục chờ đợi...

Kế hoạch đầu tiên là tháng 12-2005 sẽ ban hành thông tư liên bộ quản lý game online. Kế hoạch thứ 2 là tháng 2-2006. Kế hoạch thứ 3 là tháng 4-2006… Tháng 4 hết, dự thảo lần thứ 8 tưởng đã thống nhất, cuối cùng vẫn không được thông qua và đến thời điểm này thì chưa biết đến lúc nào mới có thể ban hành được.
Vẫn tiếp tục chờ đợi...

Kế hoạch đầu tiên là tháng 12-2005 sẽ ban hành thông tư liên bộ quản lý game online. Kế hoạch thứ 2 là tháng 2-2006. Kế hoạch thứ 3 là tháng 4-2006… Tháng 4 hết, dự thảo lần thứ 8 tưởng đã thống nhất, cuối cùng vẫn không được thông qua và đến thời điểm này thì chưa biết đến lúc nào mới có thể ban hành được.

  • Các bộ vẫn bất đồng quan điểm

Sau khi dự thảo thông tư quản lý game online lần thứ 8 được công bố rộng rãi với báo giới và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online vào giữa tháng 3-2006, Bộ VH-TT (cơ quan chủ trì việc soạn thảo thông tư) đã xin ý kiến lần cuối cùng của Bộ BC-VT và Bộ Công an, nhằm thống nhất lại để ban hành vào tháng 4. Cứ tưởng mọi chuyện đã đâu vào đấy, thế nhưng…

Vẫn tiếp tục chờ đợi... ảnh 1

Bộ VH-TT chờ mãi, mà không thấy Bộ Công an trả lời. Còn Bộ BC-VT, hơn 1 tháng sau mới chính thức có văn bản trả lời. Và nội dung trả lời thì lại không đồng ý với một số điểm trong dự thảo lần 8, lần mà cũng chính đại diện của Bộ BC-VT đã tham gia với Bộ VH-TT xây dựng, hoàn thiện.

Trong dự thảo lần thứ 8, Bộ VH-TT đề nghị chỉ cần hai loại giấy phép áp dụng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online gồm: Văn bản phê duyệt nội dung trò chơi do Bộ VH-TT cấp và Giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP) loại hình trò chơi trực tuyến của Bộ BC-VT, thay vì 4 giấy phép như dự thảo 7.

Tuy nhiên, tại văn bản trả lời Bộ VH-TT ngày 18-4, Bộ BC-VT đã đề nghị bỏ giấy phép OSP và thay vào đó là một loạt những điều kiện khác. Cụ thể, Bộ BC-VT đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến sau khi triển khai hệ thống thiết bị và phương án kinh doanh đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của thông tư thì làm văn bản báo cáo. Trong thời hạn 10 ngày sau đó, bộ này sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành (gồm các Bộ BC-VT, Công an, VH-TT) để kiểm tra thực tế triển khai.

Tại Điều 10 của dự thảo, Bộ BC-VT yêu cầu người sử dụng dịch vụ phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cá nhân như: tên, số chứng minh nhân dân và các thông tin cần thiết khác cho doanh nghiệp, và chỉ những người chơi (game thủ) tuân thủ các quy định đó mới được đảm bảo quyền lợi, được giúp đỡ giải quyết tranh chấp. Còn phía doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý giờ chơi theo nguyên tắc như Bộ VH - TT đã đề nghị (tức là 3 giờ đầu tính 100% điểm thưởng, hai giờ tiếp theo 50% điểm thưởng và sau giờ thứ 5, điểm thưởng là 0%) ngay trước khi bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ…

Trả lời về những vấn đề trên, ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ VH-TT (nơi trực tiếp xây dựng thông tư này) cho rằng, việc 3 bộ lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra hạ tầng kỹ thuật và cả phương án kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm cả giá cả và dịch vụ là không đúng chức năng. Mặt khác, quy trình cấp phép cần giảm tối thiểu các điều kiện không cần thiết và không đúng thẩm quyền của các bộ. Việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp phương án, tình hình kinh doanh, giá cước, hình thức thu cước... là vi phạm Luật Doanh nghiệp vì nó không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ BC-VT.

Ngoài ra, việc quản lý thông tin cá nhân của người chơi tại Điều 10 như vậy là vi phạm quyền thân nhân cơ bản. Người chơi không có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin cá nhân hay số CMND... cho doanh nghiệp cung cấp game, vì đơn giản đây chỉ là một trò chơi giải trí và nội dung của nó đã được Bộ VH-TT kiểm duyệt. Nếu áp dụng biện pháp này thì có thể gây phản ứng trong dư luận xã hội. Ví dụ, những người chưa đến tuổi làm CMND hoặc người nước ngoài muốn chơi game thì xử lý thế nào?

Ông Dũng cũng cho biết quan điểm của Bộ VH-TT là không đồng ý với việc yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp quản lý giờ chơi ngay trước khi triển khai cung cấp dịch vụ. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động thì khi thông tư có hiệu lực, chỉ cần cho họ thời hạn 90 ngày để chuẩn bị là có thể thực hiện được, thay vì bắt thực hiện ngay… “Chúng tôi rất hoan nghênh những đóng góp, xây dựng về nội dung thông tư của Bộ BC-VT, nhưng đối với những quan điểm mới này thì Bộ VH-TT không thể đồng tình được!”- ông Dũng nói.

  • Hy vọng vào... dự thảo lần thứ 9

Chuyện bất đồng quan điểm giữa Bộ VH-TT và Bộ BC-VT có vẻ như chưa đến hồi kết. Và theo nhận định của một số người am hiểu vụ việc, thì rất có thể còn vài lần dự thảo nữa mới có thể thống nhất mọi vấn đề được. Trong khi đó, trước sự im lặng của Bộ Công an, cách đây ít hôm Thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn đã chính thức có một công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị chỉ đạo các bộ phận liên quan sớm trả lời về vấn đề này.

Và theo dự kiến thì tuần sau, Bộ Công an sẽ chính thức có văn bản trả lời. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, khi có trả lời của Bộ Công an, 3 bộ phải ngồi lại với nhau để tiếp tục bàn bạc, thống nhất, vì vậy, chuyện có thể ban hành thông tư vào lúc nào thì đến thời điểm này không ai có thể khẳng định được.

Vậy là đã gần nửa năm trôi qua, việc ban hành thông tư quản lý game online mấy lần trì hoãn, cuối cùng chưa làm được. Mặc dù thị trường dịch vụ game online đang phát triển rất nhanh, nhưng tất cả các doanh nghiệp đang cố “ghìm mình” chờ đợi thông tư này. Liệu các doanh nghiệp còn phải “ghìm mình” đến bao giờ: 1 tháng, 3 tháng… hay là nửa năm nữa? Cái đó tùy thuộc vào tiến độ làm việc và sự thống nhất của 3 bộ liên quan. Chẳng lẽ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online và những người chơi có lỗi trong việc để thông tư bị chậm ban hành? Hay lỗi là do các bộ liên quan trong việc soạn thảo, xây dựng thông tư?... Mọi chuyện ít ra, phải chờ đến dự thảo lần thứ 9 mới có thể giải quyết được một số khúc mắc. Còn bây giờ, tất cả cứ phải tiếp tục chờ đợi!  

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục