Người mua chịu thiệt
Sau khi phá vỡ kỷ lục đã thiết lập (tháng 9-2011) với giá khoảng 1.920 USD/ounce vào giữa tháng 7-2020, giá vàng quốc tế đã tăng lên 2.070 USD/ounce vào ngày 7-8-2020, mức giá cao nhất trong lịch sử. Giá vàng SJC trong nước ngày 6-8 đạt 62,5 triệu đồng/lượng, vượt xa đỉnh gần 9 năm trước ở mốc 49 triệu đồng/lượng (tháng 8-2011).
Lý giải giá vàng thế giới tăng mạnh, NHNN Việt Nam cho biết, giá vàng xô đổ mọi kỷ lục và liên tục lập đỉnh mới, chủ yếu do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
Tuy nhiên, sau chuỗi tăng liên tiếp lên đến 9 tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế đã đảo chiều, giảm 5% chỉ trong vòng 5 ngày, từ mức đỉnh 2.070 USD/ounce ngày 7-8 xuống còn 1.867 USD/ounce vào ngày 12-8 và hiện đang giao dịch quanh mốc 1.950 USD/ounce. Cùng với sự biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước chỉ trong một tuần cũng đã giảm cả chục triệu đồng/lượng, từ 62,5 triệu đồng xuống còn 48 triệu đồng/lượng mua vào và 52 triệu đồng/lượng bán ra vào ngày 12-8.
Ghi nhận thị trường cho thấy, ngay cả khi giá vàng đã tăng cao, số người mua vàng vẫn nhiều. Một DN kinh doanh vàng cho hay, khi vàng SJC lên 57-58 triệu đồng/lượng vẫn có không ít khách hàng mua hàng chục, thậm chí cả trăm lượng vàng; còn số lượng mua từ 10 lượng vàng trở xuống rất nhiều.
Trong những ngày giá vàng quay đầu giảm mạnh sau khi liên tục lập đỉnh mới, đa số khách hàng đến các tiệm vàng để bán ra. Thậm chí, có một số tiệm vàng tại khu vực quận 5, TPHCM đã bỏ luôn bảng niêm yết giá nhằm hạn chế mua vàng vào, hoặc mua lại với giá rất thấp, vì thời điểm đó, giá vàng thế giới vẫn đang trên đà giảm. Trong khi đó, các DN kinh doanh vàng lớn nới rộng biên độ giá mua vào - bán ra lên đến hơn 4 triệu đồng/lượng.
Thời điểm vàng biến động lớn, một ngày giảm 2 - 4 triệu đồng/lượng, bất cứ ai mua vàng đều lỗ ít hoặc nhiều. Ngược lại, các DN kinh doanh vàng “ăn đậm”. Mặc dù các DN lý giải, việc giãn rộng chênh lệch giá mua - bán là nhằm hạn chế rủi ro khi thị trường biến động, nhưng với động thái này, các DN đã đẩy rủi ro về phía người mua.
Cơ quan quản lý nhà nước cho biết, giá vàng trong nước biến động chủ yếu ảnh hưởng từ giá vàng quốc tế và mức tăng của vàng SJC phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế; tình hình mua, bán vàng miếng không đột biến, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhưng theo các DN kinh doanh vàng, giá vàng SJC trong nước thời gian qua tăng “nóng” không chỉ do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, mà do nhu cầu tăng đã đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và mạnh hơn giá vàng thế giới.
Có thời điểm, giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng, trong khi trước đó vẫn neo theo giá vàng thế giới. Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K được niêm yết ở mức thấp hơn vàng miếng 3 triệu đồng/lượng (thấp hơn cả giá vàng thế giới sau khi quy đổi, do nhu cầu mua loại vàng này đang khá thấp). Điều này cũng dễ hiểu, vì giá vàng tăng mạnh và ở mức cao nhất trong lịch sử, khiến nhu cầu về vàng trang sức của khách hàng cũng giảm mạnh.
Một số phân tích cho rằng, việc nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế và chính sách độc quyền nhập khẩu vàng của NHNN là một trong những nguyên nhân đẩy mức chênh lệch này mở rộng. Tuy nhiên, dù lý do gì, việc khách hàng mua vào và phải gánh ngay khoản lỗ cả triệu đồng/lượng nếu bán ra ngay rõ ràng là một rủi ro quá lớn.
Giá vàng vẫn trong xu hướng tăng
Lý giải “cú” đảo chiều tuần trước, theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia về lĩnh vực vàng, việc giá vàng đã có chuỗi tăng có thể nói dài nhất trong lịch sử ở mức 9 tuần thì việc điều chỉnh là cần thiết, để thị trường đi đường dài và bền vững hơn. Bên cạnh đó, số liệu mới đây từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, tốc độ mua vàng của các ngân hàng trung ương thế giới những tháng gần đây có xu hướng chậm lại, cũng gây ra áp lực điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Giá vàng tiếp tục giảm Cùng với đà giảm của giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước ngày 20-8 đã giảm thêm 1 triệu đồng/lượng so với phiên hôm trước, rời khỏi mốc 56 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó phục hồi nhẹ trở lại. Ghi nhận vào 15 giờ tại TPHCM, giá vàng SJC được Công ty SJC báo giá ở mức 55,15 triệu đồng/lượng mua vào và 56,55 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 400.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán, so với cuối giờ chiều hôm trước. Cùng thời điểm tại Hà Nội, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng ở mức 55,5 triệu đồng/lượng mua vào và 56,6 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán. Thị trường vàng quốc tế đêm 19-8 có một phiên bán tháo mạnh, mất 80 USD/ounce so với phiên trước, rơi từ mức gần 2.000 USD/ounce xuống còn 1.924 USD/ounce. Đến 15 giờ ngày 20-8 (giờ Việt Nam), giá vàng trên sàn Kitco hồi phục nhẹ lên gần 1.942 USD/ounce. Giá vàng thế giới giảm mạnh có nguyên nhân do lợi tức kho bạc Mỹ tăng và đồng USD trên thị trường quốc tế tăng 0,8%, vượt mốc 93 điểm. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương 54,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC tới 2,4 triệu đồng/lượng. |
Các chuyên gia quốc tế cũng dự báo, xu hướng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng. Trả lời trên Kitco News, ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh hàng hóa của Ngân hàng Saxo (Đan Mạch) nhận định, thị trường vàng phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed). Thị trường đang trong tình trạng lên xuống thất thường, nhưng trung và dài hạn, các nhà phân tích vẫn tin tưởng vào đà tăng giá của kim loại quý. Những yếu tố bất ổn vẫn sẽ hỗ trợ giá vàng neo ở mức cao.
“Giá vàng tuần trước chứng kiến một số áp lực bán mạnh nhất trong nhiều năm, nhưng sự phục hồi diễn ra nhanh hơn mong đợi. Điều này có thể báo hiệu sự trở lại mức cao nhất của giá vàng trong ngắn hạn. Có nhiều lý do hỗ trợ giá vàng đứng vững trên 2000 USD/ounce, đó là lợi suất trái phiếu giảm, đồng USD yếu hơn, thị trường chứng khoán được định giá quá cao và bất ổn địa chính trị đang diễn ra”- ông Ole Hansen nhận định.
* Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia HUỲNH TRUNG KHÁNH: Không nên dồn trứng vào một rổ Người dân nên tránh đổ xô đi mua vàng khi thấy giá vàng tăng cao và vội vàng bán ra khi vàng điều chỉnh giá. Đồng thời, nên phân bổ nguồn vốn vào các danh mục đầu tư hợp lý, chứ không nên “dồn hết trứng vào một rổ”. Muốn đầu tư vào vàng thành công, nhà đầu tư phải theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới nói chung và thị trường vàng quốc tế nói riêng, trước diễn biến dịch Covid-19 hiện nay. Với giá vàng liên tục biến động trong biên độ rất rộng, nếu không theo sát và nắm rõ diễn biến của thị trường thế giới, nhà đầu tư trong nước sẽ gặp nhiều rủi ro. * Chuyên gia tài chính ngân hàng NGUYỄN TRÍ HIẾU: Nên xem vàng như một kênh đầu tư trung và dài hạn Giá vàng trong nước có những thời điểm “nhảy múa” điên cuồng, khi tăng khi giảm cả triệu đồng/lượng chỉ khoảng thời gian ngắn trong ngày, khiến không ít người vừa mua đã bị lỗ. Những thời điểm giá vàng trong nước biến động mạnh như vừa qua, rủi ro cho người tham gia thị trường, nhất là khách hàng nhỏ, lẻ là rất lớn. Thậm chí, những nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp cũng khó có thể luôn đảm bảo đạt lợi nhuận cao, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động bất ngờ chi phối diễn biến của giá vàng. Bởi lẽ, sau mỗi đợt tăng giá, giá vàng có thể sẽ quay đầu giảm sốc như thời gian qua, nên rủi ro rất lớn với người mua vàng để đầu cơ, lướt sóng. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh lịch sử 2.075 USD/ounce ngày 7-8, tăng 42% so với đáy tháng 3-2020, giá vàng đã điều chỉnh về dưới 1.900 USD/ounce. Do đó, chỉ những ai có khoản tiền nhàn rỗi, không phải vay mượn, xem vàng như một kênh đầu tư trung, dài hạn thì mới nên mua vàng lúc này. |