Những ngày gần đây, người tiêu dùng hết sức lo ngại khi trên thị trường xuất hiện sản phẩm vàng giả chất lượng vàng 9999. Trong khi đó, việc kiểm tra chất lượng vàng miếng, vàng nhẫn, nữ trang vàng của cơ quan quản lý gần như không được thực hiện.
Giới kinh doanh vàng cho biết, do máy móc của các tiệm vàng chỉ “đọc” được chất lượng của lớp vàng phủ trên bề mặt sản phẩm nên thời gian gần đây, một số đối tượng lừa đảo đã phủ lên bề mặt sản phẩm vàng kém chất lượng một lớp vàng đạt chất lượng 9999 để đánh lừa các chủ tiệm vàng, các tiệm cầm đồ và người mua - bán vàng. Nhiều ý kiến cho rằng, vàng chất lượng kém có nguồn gốc từ nước ngoài. Bởi cuối năm 2010, thị trường vàng thế giới đã từng chấn động khi đối tượng lừa đảo phủ lên bề mặt của hàng trăm ounce vàng nhiều hỗn hợp kim loại rồi giao dịch trong một thời gian dài mà vẫn không bị phát hiện.
Theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch vàng Ngân hàng Á châu (ACB), thông thường đối tượng lừa đảo pha trộn bạc vào vàng để gian lận khoảng 2%-5% tuổi vàng. Gần đây, giá bạc lên tới 1 triệu đồng/lượng nên kẻ xấu pha trộn kim loại đồng vào vàng khiến các sản phẩm vàng thường có gam màu đỏ.
“Để kiểm tra chất lượng vàng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường áp dụng phương pháp đánh vàng vào đá mài, cân tỷ trọng… Các phương pháp này đều có ưu điểm và hạn chế riêng nên phải kết hợp chúng để kiểm tra chéo lẫn nhau mới cho kết quả chính xác nhất. Điều này lý giải vì sao ACB, Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank – SBJ và một số doanh nghiệp khác đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị máy móc hiện đại cho việc giám định chất lượng sản phẩm vàng” - ông Khanh cho biết.
Tuy các doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu đều đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm với Nhà nước nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý gần như không kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vàng. Còn chất lượng của vàng nữ trang do các tiệm vàng sản xuất thì hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh của chủ tiệm. Vì thế, các chuyên gia trong lĩnh vực vàng khuyên người tiêu dùng nên đến các đơn vị có trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để kiểm tra chất lượng sản phẩm vàng.
Theo nhận định của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học Việt Nam, khả năng vàng miếng có hợp chất lạ có thể là Vonfram. Hợp chất này là một kim loại chuyển tiếp có màu từ xám thép đến trắng, rất cứng và nặng, chịu nhiệt khối lượng riêng lớn và nhiệt độ nóng chảy rất cao, bền trong không khí ở nhiệt độ thường, tan trong hỗn hợp axitniric và axit flohidric. Các khoáng vật chính là Vonframit, seelit, tungstit.
Vonfram ít tồn tại dưới dạng tự do mà chủ yếu ở trong các khoáng vật của nó. Vonfram được ứng dụng rất rộng rãi như dùng để chế tạo thép siêu cứng và chịu nhiệt, thiết bị cắt nhanh, hợp kim, dùng trong kỹ thuật điện (làm dây tóc bóng đèn điện), trong kỹ thuật vô tuyến điện. Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Trung tâm Ngọc học và Giám định Vàng bạc Đá quý cho biết: Khi đun nóng chảy vàng nguyên chất rồi trộn khoảng 10%-30% lượng bột vonfram sẽ tạo ra hợp kim có màu sắc như vàng thật, mắt thường khó nhận diện. Ngay cả nhiều loại máy thử vàng hiện đại tại Việt Nam cũng khó phát hiện do chưa cài đặt phần mềm nhận diện được nguyên tố vonfram.
Theo các chủ tiệm vàng tính toán, hiện một lọ chứa 100g vonfram tinh khiết trong phòng thí nghiệm giá khoảng 2,4 triệu đồng (khoảng 100.000 đồng một chỉ vonfram). Khi trộn với vàng, các đối tượng lừa đảo có thể lấy cắp được 2 chỉ trong 1 lượng vàng và thay thế bằng 2 chỉ vonfram. Giá vàng hiện nay khoảng 3,7 triệu đồng/chỉ, như vậy kẻ gian có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh vàng và người tiêu dùng khoảng 7,5 triệu đồng/lượng vàng.
LÊ NA