
Một dãy các sạp bán sữa bột ở chợ Bình Tây bày la liệt các bao sữa không nhãn, mác nằm chồng chéo lên nhau và bụi bặm nhem nhúa. Từ nhiều năm qua, con đường Nguyễn Thông (phường 9, quận 3, TPHCM) thường được người tiêu dùng (NTD) đặt cho cái tên là “chợ sữa ngoại” của thành phố.
Nhìn chung các loại sữa bột ở đây chủ yếu là sữa ngoại nhập được đóng hộp rất kỹ càng và giá cũng khá cao, ví dụ như: Similac mom 87.000 đồng/hộp 400g, 234.500 đồng/hộp 900g; Gain IQ giá 93.500 đồng/hộp 400g, 186.500 đồng/hộp 900g, Pediasure 125.000 đồng/hộp 400g, 245.00 đồng/hộp 900g...
Tuy giá sữa cao như thế nhưng cửa hàng nào cũng có ít nhất từ 3 - 4 kệ hàng để trưng bày các lon sữa hộp cao như núi, từ các loại sữa thông dụng của hãng Abbott, Mead Johson (Mỹ), Dutch Lady (Hà Lan), Vinamillk (Việt Nam), cho đến các loại sữa của Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc... đều có đủ...

Người tiêu dùng đang chon mua sữa bộ tại 1 siêu thị.
Anh Sơn chủ cửa hàng sữa hộp Sơn Đào trên đường này cho biết “Đa số khách hàng đến mua sữa ở đây chủ yếu là khách quen và đồng thời cũng là dân khá giả chứ ít khi nào có khách bình dân đến mua”. Điều đáng ghi nhận là chợ sữa này bán giá khá sát so với bảng giá niêm yết của các công ty sữa.
“Mỗi lon sữa cho dù loại nào đi nữa thì các cửa hàng ở đây chỉ lời từ 500 - 1.000 đồng/lon. Chúng tôi sống là nhờ vào tiền trưng bày hàng cho các công ty, mỗi tháng họ trả từ 1 triệu đồng trở lên cho mỗi gian hàng có trưng bày sữa của công ty họ” - chủ cửa hàng sữa Vũ Hào tiết lộ.
Trong khi đó tại các chợ Bình Tây, chợ Hòa Bình, chợ Kim Biên thuộc quận 5 và 6, các mặt hàng sữa thật sự làm cho người mua choáng ngợp vì sữa không chỉ nhiều mà giá cũng rất bình dân, tuy nhiên chất lượng như thế nào thì chỉ có trời mới biết.
Một dãy các sạp bán sữa bột ở chợ Bình Tây bày la liệt các bao sữa không nhãn, mác nằm chồng chéo lên nhau và bụi bặm nhem nhúa. Thế nhưng khi hỏi sữa này có tốt không chi thì chị ta trả lời ngay “Bao cho anh uống luôn”. Trong khi người mua sữa chưa biết là sữa thật hay là bột thì người bán ở đây giới thiệu “Đó là sữa Úc, sữa New Zealand, sữa Hà Lan... chính hãng đấy”.
Có thể nói, chính vì sự thả nổi không quản lý kịp thị trường sữa bột từ các ngành chức năng nên thời gian qua chúng ta đã phát hiện ra hàng loạt các loại sữa bột giả. Mới nhất là tháng 5 vừa rồi đội quản lý thị trường 12B TPHCM đã bắt quả tang 193 thùng sữa bột giả.
Thực tế cho thấy, việc sữa giả, kém chất lượng tồn tại một phần cũng là do NTD tỏ ra quá dễ dãi khi mua sữa bột. Rất nhiều người chỉ cần thấy loại sữa nào quảng cáo nhiều là họ mua loại sữa đó mà không xem kỹ thời hạn sử dụng còn hay hết, nhãn hiệu thật, giả...
Chỉ đến khi sử dụng thì may ra họ mới biết đó là sữa giả hoặc quá date mà thôi... Tệ hại hơn là đa số NTD khi mua phải sữa giả thì hầu như chỉ âm thầm bỏ qua, chứ chẳng muốn khiếu nại với cơ quan chức năng vì sợ mất thời gian, phiền phức... Trong khi các cơ quan có chức năng quản lý về thị trường sữa bột thì lại không có đủ các thiết bị để kiểm tra hết các thành phần chất dinh dưỡng có trong sữa bột...
Đây chính là điều khiến cho thị trường sữa bột hiện nay phức tạp, giả thật lẫn lộn. Vì thế người tiêu dùng phải hết sức thận trọng, phải tự bảo vệ mình và phải nâng cao kiến thức tiêu dùng về những loại sản phẩm mà mình muốn mua.
HÙNG – HƯNG