Lý Văn Sâm vẫn quyến rũ chuyện đường rừng

Lý Văn Sâm vẫn quyến rũ chuyện đường rừng

Từ trước năm 1945, nếu như Lan Khai và Thế Lữ là hai cây bút “chủ soái” về thể loại truyện đường rừng ở miền Bắc, thì ở miền Nam dường như chỉ có Lý Văn Sâm mà đến nay đọc lại vẫn còn rất hấp dẫn, quyến rũ. Ngày 17-2-2016 là kỷ niệm 95 năm ngày sinh của tác giả Kòn Trô một thời lẫy lừng…

Gương mặt độc đáo của văn chương Nam bộ

Nếu như miền Tây Nam bộ mênh mông sông nước phù sa là “mỏ quặng” giàu có để nhà văn Sơn Nam suốt đời khai thác thì miền Đông đất đỏ với những cánh rừng ngút ngàn bí ẩn là chất liệu cho nhà văn Lý Văn Sâm dựng nên những câu chuyện đường rừng ly kỳ, hấp dẫn. Và nếu như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ với những vần thơ vừa trữ tình vừa hào khí vang vọng từ chiến khu xanh miền Đông thì nhà văn Lý Văn Sâm lại là người kể chuyện duyên dáng, lãng mạn và cũng đầy hào hùng về vùng đất huyền thoại này. Ông cũng hợp cùng những Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Dương Tử Giang, Vũ Anh Khanh, Kiên Giang, Thẩm Thệ Hà… tạo nên thế hệ nhà văn, nhà báo giàu tài năng và yêu nước của Nam bộ.

Nhà văn Lý Văn Sâm

Sự nghiệp văn chương của Lý Văn Sâm khởi đầu bằng hai truyện ngắn Cây nhị sông Phố, Cái ống tiền đăng liên tiếp trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội năm 1941. Thuở mới bắt đầu cầm bút, ông viết truyện gởi các báo trong Nam, chờ mãi không thấy đăng, bèn thử gửi ra Hà Nội cho nhà văn Vũ Bằng, chủ bút Tiểu thuyết thứ bảy. Rất chu đáo, nhà văn Vũ Bằng đọc truyện thật kỹ rồi gửi thư vô Biên Hòa cho ông, gợi ý ông nên viết về con người sống, làm việc ở chốn núi rừng miền Đông Nam bộ. Chính nhờ cơ duyên và sự khuyến khích quý báu của nhà văn Vũ Bằng, ông đã say mê viết chuyện đường rừng, mở ra con đường văn chương độc đáo riêng mình.

Mặc dù được đăng trước tiên nhưng hai truyện ngắn Cây nhị sông Phố, Cái ống tiền không phải là truyện đầu tay của ông, mà đó là Kòn Trô, tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi Lý Văn Sâm về sau. Đó cũng là sự nghịch lý thú vị của văn chương. Theo tâm sự của nhà văn Lý Văn Sâm với chúng tôi, Kòn Trô chính là tác phẩm ông tâm đắc nhất ra đời trong hoàn cảnh: “Lúc tôi đang làm ở lò than thì có một chiếc xe hơi vừa chạy tới đó bị chết máy. Một cô gái vô nghỉ nhờ và ăn cơm tại nhà tôi. Sau đó, tôi mới tưởng tượng viết truyện, mà nhân vật chính Kòn Trô (con Trời) là tôi, còn Thể Phụng, nhân vật thứ hai chính là cô gái đó”.

Với sức sống vượt thời gian, hơn 60 năm sau, truyện Kòn Trô hợp cùng truyện Sương gió biên thùy của ông đã được Hãng phim TFS của Đài Truyền hình TPHCM chuyển thể kịch bản, dựng phim và công chiếu vào đầu thế kỷ XXI, thu hút đông đảo người xem.

Một nhân vật nghĩa khí của núi rừng miền Đông

Lý Văn Sâm sinh ngày 17-2-1921 tại vùng rừng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Sinh ra trong gia đình tương đối khá giả, Lý Văn Sâm đã được lo chu toàn ăn học. Hết bậc tiểu học ở Biên Hòa, ông lên Sài Gòn học trung học ở Trường Petrus Ký, rồi ngược ra tận xứ Huế học Trường Quốc học. Ở đất cố đô, ông được làm học trò nhà giáo, nhà văn Thanh Tịnh, người có ảnh hưởng trong bước đầu đưa ông đến con đường văn chương. Nhà văn Lý Văn Sâm nhớ lại: “Thanh Tịnh rất giản dị và ông từng ăn cơm tháng chung với tôi. Trong quyển tập của tôi, ông có viết chơi hai câu thơ bất chợt: Đã bao năm dưới liễu ta gò cương/ Ta chỉ thấy sông xa tràn bọt trắng. Hai câu thơ ấy ông chỉ viết chơi, nhưng tôi thấy mình cần phải học tập”.

Rời trường Quốc học Huế, Lý Văn Sâm trở về quê làm chủ lò than do gia đình tạo dựng và bắt đầu làm thơ, viết văn. Ông gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền phong khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, làm cán bộ tuyên truyền. Khi quân Pháp tái xâm lược, ông hiến lò than cho cách mạng, đốt nhà tiêu thổ kháng chiến và thoát ly vào chiến khu. Cuối năm 1946 đầu năm 1947, ông bị địch bắt giam rồi quản thúc tại Biên Hòa, bí mật trốn xuống Sài Gòn tiếp tục hoạt động trong ngành công an và làm báo, sáng tác văn học.

Hết chống Pháp đến chống Mỹ, khi công khai khi bí mật, lúc ở thành Sài Gòn lúc ở chiến khu, Lý Văn Sâm đã gắn bó với những bước thăng trầm của sự nghiệp cứu nước, giữ nhiều trọng trách về công tác quản lý văn nghệ và báo chí. Ông từng là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nhớ về thời kỳ gian khổ mà hào hùng này, ông nói: “Hồi ấy, tôi công tác trong lực lượng võ trang miền Nam, cũng làm công tác văn nghệ và báo chí thôi. Tôi được anh Nguyễn Hữu Xuyến, chỉ huy trưởng phân công “bao sân”, nghĩa là bộ đội cần gì làm nấy. Báo chí có tờ Chiến thắng viết và vẽ khá đẹp. Ban biên tập gồm có tôi, anh Trường Thắng, Huỳnh Anh Tuyên (hai anh hy sinh trước 1975). Vài ba tháng, báo mới ra được một số, anh em chuyền tay nhau cuồng nhiệt. Một buổi sáng, anh Xuyến gọi tôi lên, pha trà đãi một chầu (anh mới đi họp “trên” về). Anh cho tôi biết là tôi sẽ về nhận một công tác hợp sở trường và sức khỏe vì... “anh ốm yếu mà ở đây ăn củ chụp mãi không chịu nổi đâu”. Cũng như ở bộ đội, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nơi tôi về buổi đầu mới thành lập cái gì cũng từ hai bàn tay trắng làm nên. Tình hình văn nghệ sau Đồng khởi rộn rịp chưa từng có. Thời đó cực tận mạng mà vui cũng tận mạng”!

Giống như nhà văn Kim Lân ở ngoài Bắc, sự nghiệp văn chương của Lý Văn Sâm đã dừng lại khi ông dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cho dù sau này ông có viết thêm một số truyện nhưng không ấn tượng. Đây quả là điều đáng tiếc. Tuy vậy, những gì mà nhà cách mạng, nhà văn Lý Văn Sâm đã sáng tạo, cống hiến bằng nhiều chức phận khác nhau cũng rất đáng trân trọng. Đặc biệt, những áng văn đường rừng độc đáo cũng đủ đưa tên tuổi Lý Văn Sâm trở thành một gương mặt sáng giá của văn học sử Nam bộ và Việt Nam thế kỷ XX. Sáu năm sau khi ông qua đời, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật truy tặng cho ông vào năm 2006 là hoàn toàn xứng đáng!

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục