VASEP kiến nghị hỗ trợ xuất khẩu thủy sản

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính xuất khẩu thủy sản trong tháng 3-2020 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 549 triệu USD.

 

VASEP kiến nghị hỗ trợ xuất khẩu thủy sản

Trong đó, xuất khẩu cá tra và cá ngừ giảm trên 29%; mực, bạch tuộc giảm tới 31% và tôm khoảng 15%. Thị trường xuất khẩu sang EU giảm nhiều nhất (40%); kế tiếp là Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%. Xuất khẩu sang Mỹ giảm ít hơn do vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ các sản phẩm tươi sống, đóng hộp. 

Hiện tại, nhiều đơn hàng tại thị trường Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm dừng do dịch Covid-19 mà chưa có thời gian quay trở lại, dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp còn chịu nhiều loại chi phí phát sinh như thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, lưu container tại cảng... Đồng thời, phải chi thêm các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn... Tính chung, lũy kế đến hết tháng 3-2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước chỉ đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%. 

Trước tình hình trên, VASEP đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị với Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ có công suất tối thiểu từ 5.000 pallet trở lên; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu, khi các kho lạnh nói trên đi vào vận hành. Kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi. Đối với các khoản nợ đang vay, doanh nghiệp mong muốn được gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất… 

°Chiều 7-4, UBND tỉnh An Giang cho biết, vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình sản xuất lúa gạo trên địa bàn, để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được ưu tiên xuất khẩu nếp và các loại giống lúa Japonia (hạt tròn). Đồng thời, cho phép thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đang có hiệu lực, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng, cùng số lượng gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020. Theo tính toán, đến hết tháng 4-2020, toàn tỉnh có khoảng 48.475 tấn gạo không giao theo hợp đồng đã ký của 16 doanh nghiệp, tương đương với 23,6 triệu USD (giá xuất 487 USD/tấn). Nếu trường hợp tạm dừng xuất khẩu đến tháng 5-2020, tiếp tục có 33.800 tấn gạo không xuất được. 

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Lê Minh Đức cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp trong tỉnh còn tồn kho hơn 55.937 tấn nếp và kiến nghị, cho xuất khẩu mặt hàng nếp không hạn chế, nhằm giải quyết lượng tồn kho, để doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp của nông dân với giá tốt.

Tin cùng chuyên mục