Về đâu... kinh tế Mỹ

Tháng 2-2020, với tỷ lệ thất nghiệp là 3,4%, Tổng thống Mỹ Donald Trump xem đó là “át chủ bài” giúp ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng đến tháng 5, Bộ Lao động Mỹ công bố 16% dân số trong độ tuổi lao động mất việc làm; giới phân tích dự báo sẽ có 20% - 25% dân Mỹ thất nghiệp.  
Bộ Lao động Mỹ thông báo đã tiếp nhận 6,6 triệu đơn xin trợ cấp mới trong tuần vì dịch bệnh Covid-19. Nguồn: REUTERS
Bộ Lao động Mỹ thông báo đã tiếp nhận 6,6 triệu đơn xin trợ cấp mới trong tuần vì dịch bệnh Covid-19. Nguồn: REUTERS

Vì sao con virus SARS-CoV-2 lại dễ dàng đánh gục “người khổng lồ” Mỹ? Giáo sư kinh tế Fabien Tripier của Đại học Evry (Pháp) nhận định, khủng hoảng kinh tế ở Mỹ trước hết là hậu quả của khủng hoảng về y tế. Ban đầu Mỹ không bị dịch Covid-19 tác động trực tiếp nhưng sau đó đã nhanh chóng bị kéo vào vòng xoáy và giờ vẫn còn trong tâm bão. Trong 5 tuần trở lại đây, cỗ máy kinh tế đồ sộ của Mỹ đã phải dừng lại, từ khu vực sản xuất đến các dịch vụ giải trí, mua bán… đều phải đóng cửa.

Theo chuyên gia Tripier, đà phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu. Hiện không một ai có thể biết khi nào dịch bệnh chấm dứt và sau đó có nguy cơ diễn ra những đợt tái phát nữa hay không một khi các hoạt động giao thương trở lại như bình thường. Mỹ đã nhanh chóng tung cùng lúc tất cả các phương tiện để cứu nguy kinh tế. Chính quyền liên bang ban hành 2 kế hoạch hỗ trợ kinh tế trị giá gần 3.000 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã sử dụng đến tất cả các phương tiện đang có trong tay: giảm lãi suất chỉ đạo đang từ 1,25% xuống còn 0%-0,25%, đồng thời mua vào gần 2.500 tỷ USD vừa cổ phiếu, vừa trái phiếu... 

Vào lúc Mỹ sử dụng hết tất cả các phương tiện để kích cầu với hy vọng tránh được kịch bản cuộc đại khủng hoảng những năm 1930, câu hỏi quan trọng nhất là liệu các biện pháp tốn hàng ngàn tỷ USD này hiệu quả hay không? 

Giáo sư Tripier cho rằng, câu trả lời chủ yếu tùy thuộc vào yếu tố chính trị. Trong ký ức của người Mỹ về cuộc đại khủng hoảng, đợt đại suy thoái đó cuốn đi 8%-10% GDP của châu Âu và Mỹ trong 1 năm. Không bên nào muốn phải chứng kiến thêm một lần nữa. Do đó, châu Âu và Mỹ đã nhanh chóng bơm tiền cứu nguy kinh tế. Tuy nhiên, trong quá khứ, các bên đã thiếu hợp tác và mỗi quốc gia đã co cụm lại. Đó là mầm mống dẫn tới phong trào phát xít tại châu Âu.

Theo ông Tripier, vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần là kinh tế, mà điều quan trọng trước hết là quyết tâm chính trị của mỗi quốc gia. Nếu quốc tế thiếu một sự phối hợp, khủng hoảng y tế chẳng những lan sang cả các lĩnh vực kinh tế mà còn dẫn đến bất ổn chính trị. Hiện vai trò của ông Donald Trump trong cương vị Tổng thống Mỹ rất quan trọng và nhạy cảm. Liệu ông Donald Trump có tái đắc cử vào tháng 11 này hay ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ vào Nhà Trắng? Vận mệnh của Mỹ và thế giới sẽ tùy thuộc nhiều vào quyết tâm của Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới.

Tin cùng chuyên mục