Vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Khó có thể kể hết những ấn tượng đặc sắc và vẻ đẹp đầy hoang sơ của văn hóa ching chêng (tức cồng chiêng) trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên mỗi độ gió xuân tràn về trên cao nguyên đất đỏ. Lên sàn đi anh, rượu cần đã cột và chiêng đã treo. Bước vào đi em, vòng xoang đã mở ra trong nhịp ching chêng náo nức. Người Tây Nguyên đã sẵn lòng chờ đón…

Vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ảnh 1

Các chàng trai Tây Nguyên biểu diễn cồng chiêng trong ngày Hội voi Bản Đôn Đắc Lắc. Ảnh: AN DUNG

Ching chêng là thể loại âm nhạc đặc trưng nhất gắn liền với nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Tây Nguyên. Bởi môi trường diễn xướng của ching chêng thường đi đôi với hệ thống các lễ và hội. Ở đó, mọi loại hình nghệ thuật dân gian đều có thể được phô  diễn xung quanh nghệ thuật cồng chiêng.

Đầu tiên phải nói tới nghệ thuật tạo hình. Trên những cây nêu, những dàn cúng là đầy đủ những màu sắc đen, xanh, đỏ, vàng, trắng rực rỡ có từ thiên nhiên núi rừng, hoàn toàn gần gũi với đời sống và môi trường quanh con người như chim, cá, hoa cỏ… được tái tạo với một vẻ đẹp hoang dã.

Trong các lễ bỏ mả còn có hệ thống những tượng mồ thô ráp, ngộ nghĩnh mà đầy tính sáng tạo tài hoa. Sau nữa là hoa văn thổ cẩm. Người phụ nữ Tây Nguyên nào cũng muốn chồng con và cả chính mình đến lễ hội, hòa chung trong cộng đồng, với những bộ trang phục đẹp nhất, lộng lẫy sắc màu nhất, do chính bàn tay khéo léo của họ nhặt bông, se chỉ dệt may nên.

Một loại hình nghệ thuật khác không thể tách rời nhịp điệu ching chêng, đó là múa. Người ta quen gọi chung là Xoang, những điệu múa trong các lễ hội của mọi dân tộc trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên. Xoang A ráp đi theo dàn ching A ráp, xoang Sôgơ hòa cùng với tiếng ching chêng Ba na.

Đón khách ngay từ đầu làng vào tận nhà Rông chung vui, người Sê đăng có xoang xuơtơmôi nhún nhảy bước đi theo nhịp ching. Một lễ hội cộng đồng ở Phú Yên, Bình Định có bao nhiêu làng tham dự là có bấy nhiêu tiết tấu ching chêng, đi đôi với bấy nhiêu điệu múa cổ truyền, có thể kéo dài hàng giờ, hoặc cả buổi không mệt mỏi. Phụ nữ Giarai, Ba na, Sê đăng tuổi trung niên múa chậm rãi uyển chuyển, trang nghiêm, các thiếu nữ lại điệu đàng trong nhịp tay, bước chân nhanh hơn, thậm chí mạnh mẽ và đầy gợi tình qua những động tác lắc hông, uốn người.

Khó có thể đứng ngoài vòng xoang khi tiếng ching chêng nổi lên đầy hứng khởi như thế. Trong đêm lễ hội đường phố, giữa những ngày diễn ra Lễ hội “Sắc hoa Đà Lạt”, không ít du khách của mọi quốc gia, mọi lứa tuổi đã hồn nhiên nắm tay các chàng trai cô gái K’Ho, Lạch múa say sưa không kém theo nhịp chưng Bo.

Còn trong “Liên hoan văn hóa cồng chiêng Trường Sơn – Tây Nguyên” tại Buôn Ma Thuột những ngày cuối cùng của năm Giáp Thân, khán giả đi từ ngỡ ngàng đến nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng điệu múa solo độc đáo của một nữ nghệ nhân Mnông (đến từ tỉnh Đắc Nông) qua độ cong của mông và hông, độ giật nảy của từng bước chân, cánh tay.

Hãy nhìn gương mặt đắm đuối đến ngây dại của người nghệ nhân, để hiểu bà đã nhập hồn vào điệu múa, nhịp điệu chưng như thế nào. Cũng không thể không thốt lên lời khen ngợi dáng uyển chuyển với hai cánh tay giơ ngang đầu của các cô gái Ca Tu vai trần, ngực đầy, sánh bên những chàng trai múa khiêl “ngực trần khố có một manh”, mang đến cho người xem vẻ đẹp vừa khỏe khoắn lại vừa dịu dàng của điệu múa “Tung tung ya yă” theo nhịp ching chêng từ miền núi Quảng Nam.

Đã có một thời gian dài, do sự chuyển đổi tín ngưỡng và cơ cấu cây trồng, vai trò giao lưu với các thần linh không còn, môi trường diễn xướng cũng không còn, ching chêng mất dần đời sống trong cộng đồng, dẫn đến vấn nạn “chảy máu cồng chiêng”. Sau năm 1975, ching chêng Tây Nguyên có thêm đời sống mới ngoài cộng đồng, đó là trong các hoạt động nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật dân gian các khu vực hoặc ở toàn quốc, hoặc các dịch vụ du lịch văn hóa dân tộc.

Một vài năm gần đây, với chủ trương phát huy hết vẻ đẹp riêng biệt của văn hóa các tộc người, Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc “xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, sinh hoạt ching chêng Tây Nguyên dần dần được khôi phục.

Ngoài một số hoạt động chung, như “Lễ hội văn hóa Tây Nguyên” ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật dân gian Sơn ca, dân vũ dân ca các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên… đồng thời ở một số vùng, chính quyền kết hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin và các già làng, đã mở nhiều lớp truyền dạy đánh ching… khiến âm nhạc ching chêng có phần trở lại khởi sắc.

Nhưng để ching chêng thực sự gắn bó với buôn, bon, kon, plei như đời sống văn hóa truyền thống, là một việc khó. Bởi vậy, ngoài hàng loạt những liên hoan văn hóa dân gian các dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên tổ chức định kỳ, những lớp truyền dạy diễn tấu ching chêng ở các vùng, hay xây dựng các chương trình phục vụ du lịch, cần phải khôi phục lại môi trường diễn tấu trong cộng đồng.

Đó chính là các lễ – hội truyền thống hàng năm có chọn lọc, mà trong đó có sự tham mưu (không áp đặt) của ngành văn hóa các địa phương, để giảm phần lễ, tăng phần hội như: các lễ hội ăn cơm mới, dọn bến nước, đua voi… kết hợp với những ngày hội truyền thống của một số đoàn thể (người cao tuổi, đoàn thanh niên, phụ nữ, ngày thành lập địa phương…). Sự tồn tại trong cộng đồng mới chính là cơ sở bền vững nhất để “di sản văn hóa dân gian truyền khẩu ching chêng” độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên song hành cùng cuộc sống mới hôm nay và mãi mãi về sau.

LINH NGA NIÊ KDAM

Tin cùng chuyên mục