Về kết quả đấu thầu “khu tam giác vàng” - Liệu có khuất tất?

Hỗ trợ ngân sách nhiều là trúng thầu?
Về kết quả đấu thầu “khu tam giác vàng” - Liệu có khuất tất?

Sau khi UBND TPHCM chính thức công bố kết quả Liên danh Thái Sơn trúng thầu khu đất Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, lập tức Liên danh Khánh Gia đòi khởi kiện Hội đồng đấu thầu (HĐĐT) vì cho rằng có khuất tất trong quá trình xét duyệt đấu thầu. Lâu nay, những vấn đề xung quanh các khu đất vàng luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Nay lại có thông tin trên nên càng “nóng” hơn. Buổi gặp gỡ báo giới của HĐĐT vào chiều 17-4, vì vậy, có mặt hơn 50 phóng viên báo đài. Tuy nhiên, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KHĐT kiêm Chủ tịch HĐĐT lại cho rằng, quy trình xét chọn đấu thầu khá chặt chẽ…

Hỗ trợ ngân sách nhiều là trúng thầu?

- PV: Thưa ông, được biết cả Khánh Gia và Thái Sơn đều vào “vòng chung kết”, trong khi Khánh Gia có giá dự thầu cao hơn Thái Sơn (7.148 tỷ đồng so với 5.118 tỷ đồng). Vậy tại sao Thái Sơn lại được trúng thầu?

Ông THÁI VĂN RÊ: Cả hai nhà đầu tư (NĐT) đều nằm trong danh sách “ngắn” (tổng số điểm lớn hơn 70), có tổng mức đầu tư lớn hơn “giá sàn” 4.700 tỷ đồng. Khi cả hai cùng đạt các điều kiện này thì HĐĐT áp dụng quy định “và có tổng giá trị cam kết hỗ trợ cho ngân sách TP lớn nhất” để xếp hạng (quy định tại trang 55 hồ sơ mời thầu – HSMT). Thái Sơn có giá hỗ trợ ngân sách TP đến 1.900 tỷ đồng, trong khi Khánh Gia chỉ hỗ trợ 360 tỷ đồng nên dĩ nhiên Thái Sơn được chọn.

- Thái Sơn có mức hỗ trợ ngân sách lớn là do có sự điều chỉnh, còn Khánh Gia cũng điều chỉnh sao không được chấp nhận?

Đúng, giá hỗ trợ ngân sách ban đầu của Thái Sơn chỉ 200 tỷ đồng, sau đó có tăng thêm 1.700 tỷ đồng và việc điều chỉnh diễn ra trước thời điểm đóng thầu nên được chấp nhận. Còn Khánh Gia điều chỉnh tăng thêm sau thời điểm đóng thầu nên không hợp lệ (căn cứ mục 22 trang 16 HSMT: bất kỳ tài liệu nào nhận được sau thời điểm đóng thầu đều được coi là không hợp lệ…).

Thái Sơn có “đẻ non”?

Về kết quả đấu thầu “khu tam giác vàng” - Liệu có khuất tất? ảnh 1

Khu đất vàng giáp 3 mặt đường Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo. Ảnh: ĐỨC THÀNH

- Dư luận cho rằng, Thái Sơn vi phạm các tiêu chí “3 năm hoạt động kinh doanh và 2 năm kiểm toán liên tục”, nhiều công ty trong liên doanh Thái Sơn “đẻ non”, thậm chí Công ty Ánh Dương mới thành lập ngày 10-3-2008, tức sau ngày đóng thầu (17-12-2007), vẫn được chọn thầu. Ông trả lời sao về điều này?

Đó là do… không hiểu đúng nội dung HSMT. Tại khoản 2 mục 14 trang 12 HSMT ghi rõ NĐT phải “chứng minh đã thực hiện đầu tư ít nhất 1 công trình có quy mô thiết kế bằng hoặc lớn hơn công trình dự kiến đấu thầu. Đồng thời, NĐT phải có bản báo cáo cụ thể kết quả thực hiện các dự án đầu tư trong 3 năm gần nhất…”. Như vậy, báo cáo này là báo cáo về dự án và dự án đó phải thực hiện trong vòng 3 năm chứ không phải buộc công ty đó đã có 3 năm thành lập, vì nếu quy định như vậy, chẳng lẽ công ty có tiền, chỉ tham gia góp vốn bằng tiền cũng đòi hỏi “thâm niên”, kinh nghiệm thì không hợp lý.

Trong hồ sơ tham dự đấu thầu của Liên danh Thái Sơn, chúng tôi không thấy công ty nào thành lập sau thời điểm đóng thầu, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Ánh Dương có quyết định thành lập ngày 12-12- 2007 (Sở KHĐT Hà Nội cấp), tức trước ngày đóng thầu 5 ngày. Tuy công ty được thành lập rất nhanh nhưng đó là việc khác…

- Được biết, Công ty Thái Sơn chưa thực hiện công trình nào…?

Công ty Thái Sơn thì chưa nhưng một trong số các công ty thuộc liên danh Thái Sơn thì có. Cụ thể, liên danh Thái Sơn gồm 8 công ty: Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư Chí Thành - Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Ánh Dương - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Công ty cổ phần Bất động sản BIDV (BIDV Land) - Công ty cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Hanwha (Hanwha E&C) - Công ty TNHH Xây dựng và Kỹ thuật Hanshin (Hanshin E&C) - Công ty TNHH Hanwha Galleria. Năng lực của liên danh được xem xét trên nguyên tắc cộng dồn năng lực của các công ty thành viên. Như vậy, trong số đó có Công ty Hanwha E&C đã thực hiện dự án Galleria Palace với tổng vốn đầu tư 628 triệu USD, hoàn thành tháng 2-2005, tức là đáp ứng yêu cầu về dự án của cả liên danh.

BIDV vừa đá bóng vừa thổi còi…

Những dự án sẽ được tổ chức đấu thầu kế tiếp là (căn cứ vào công văn của UBND TP giao Sở KHĐT chuẩn bị các tiêu chí chọn NĐT): Khu đô thị mới bán đảo Bình Quới- Thanh Đa; khu tứ giác Nguyễn Huệ- Lê Lợi- Đồng Khởi- Nguyễn Thiệp; khu Lê Lợi- Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Huỳnh Thúc Kháng; khu Tây Thăng Long 120 ha (phường Long Trường và Long Phước quận 9)…

- Theo phản ánh của các chủ đầu tư, BIDV cam kết cung cấp vốn cho liên doanh đến 4.200 tỷ đồng, trong khi vốn tự có của BIDV chỉ 15.000 tỷ đồng và theo luật chỉ được cho vay không quá 15% (tức khoảng 2.250 tỷ đồng), như vậy là phạm luật?

Tại trang 53 HSMT có quy định rõ đó là việc cam kết tài trợ tín dụng - tức cam kết cung cấp tín dụng chứ không phải cho vay, bảo lãnh (mà quy định 15% vốn tự có đó chỉ dùng cho hoạt động cho vay, bảo lãnh).

- Thưa ông, nhưng BIDV vừa nằm trong liên danh Thái Sơn vừa là đơn vị cam kết tài trợ tín dụng cho liên danh, có nghĩa là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Điều này được chúng tôi giải thích cho các NĐT ngay khi gởi HSMT rằng: Một đơn vị có thể tham gia nhiều vai, miễn sao hoàn thành các vai trò đó và đúng theo pháp luật chuyên ngành là được.

Dự án không khả thi, HĐĐT có chịu trách nhiệm?

Về kết quả đấu thầu “khu tam giác vàng” - Liệu có khuất tất? ảnh 2

Giám đốc Sở KHĐT Thái Văn Rê trưng ra những văn bản pháp lý để chứng minh các quyết định của mình (ảnh chụp tại cuộc họp báo 17-4).

- Thưa ông, Khánh Gia có phương án di dời đến khu 10.500m2 của nhà máy nước ngọt Chương Dương (phường Cầu Kho), còn phương án di dời của Thái Sơn là khu dân cư 9.970m² (ở phường Cô Giang), như vậy phương án của Khánh Gia khả thi hơn nhiều vì có sẵn mặt bằng, không phải giải tỏa nhà dân, tại sao vẫn không được ưu tiên?

UBND TP chỉ quy định các đơn vị phải di dời trường đến 2 phường Cầu Kho hoặc Cô Giang, theo đúng quy hoạch của quận 1. Và cả hai phương án đều đáp ứng yêu cầu nên đã được chấp nhận. Còn kết quả chọn chỉ có 1 nên chúng tôi phải dựa vào điều kiện xếp hạng như đã nói ở trên.

- Nhưng nếu không xem xét các yếu tố khả thi, nếu sau này Thái Sơn không thực hiện được dự án mà trì hoãn hoặc “bán” lại cho đơn vị khác thì bị xử lý như thế nào, trách nhiệm của HĐĐT đến đâu?

Trong quá trình thực hiện có thể phát sinh rủi ro. Nhưng trong HSMT có quy định, khi đơn vị trúng thầu trong thời hạn 1 năm mà không triển khai dự án hoặc “bán” thầu thì sẽ bị thu hồi dự án và tịch thu tiền đảm bảo thực hiện dự án mà đơn vị đã nộp, bằng 5% tổng dự án, ước khoảng trên 200 tỷ đồng. Còn trách nhiệm của HĐĐT đến sau 5 năm, tức khi dự án hoàn thành.

- Đây là 2 dự án thực hiện đấu thầu đầu tiên của cả nước, chúng ta đã thu được kết quả gì, thưa ông?

Việc đấu thầu này chưa có tiền lệ, TPHCM là đơn vị đầu tiên của cả nước mày mò, nghiên cứu ứng dụng. Sau 2 dự án này, nhiều vấn đề phát sinh, nhưng theo tôi, rõ ràng hoạt động này tạo công khai, minh bạch và bình đẳng cho tất cả các NĐT. Kết quả, HĐĐT nhận được là bài học kinh nghiệm và ngân sách TPHCM thì thu được hơn 2.000 tỷ đồng (dự án Chợ Văn Thánh hỗ trợ 215 tỷ đồng và dự án khu tam giác vàng này là 1.900 tỷ đồng).

- Xin cảm ơn ông!

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục