Về quê Bác

Trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”
Về quê Bác

Trong những ngày tháng năm lịch sử này, chúng tôi lại hướng về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Hai tiếng Kim Liên giờ không chỉ đã trở nên quen thuộc, thân thương, ấm áp đối với mỗi con dân Việt Nam, mà còn với cả bạn bè quốc tế. Bởi đây chính là quê hương, là cái nôi sinh ra một con người đã làm rạng danh non sông đất nước Việt Nam - Bác Hồ. Về quê Bác hôm nay bắt gặp thêm nhiều đổi thay. Những ngôi nhà mới xây mọc lên bên con đường trải nhựa phẳng lỳ, cánh đồng lúa vàng đang vào vụ gặt như ánh lên bên những chùm hoa ban trắng… Trong những đổi thay, vươn lên đó, về Kim Liên ai cũng có tâm trạng lắng lại khi nối bước bên hàng rào râm bụt, đứng lặng trước mái nhà đơn sơ của Bác... 

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, từng đoàn, từng tốp người vẫn hướng về Làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại… của Bác Hồ. Chúng tôi bắt gặp trong số những người về thăm quê Bác có đủ già trẻ trai gái, các bậc tu sĩ, lãnh đạo các cấp, khách nước ngoài… Trong dòng người sáng nay có lẽ ai cũng ấn tượng với các cháu đến từ Trường Mầm non quốc tế Việt Sing và Trường Mầm non Họa Mi (TP Vinh, Nghệ An). Những vị khách người lớn ai cũng muốn quấn quýt với các cháu, chụp ảnh chung với “bầy chim non” vô cùng đáng yêu này. Vào đến khu Nhà tưởng niệm Bác Hồ, cô giáo đưa các cháu đến bên chiếc ô tô trong nhà trưng bày và giới thiệu: “Các con biết không, đây chính là chiếc ô tô đã đưa đón Bác Hồ của chúng ta trong hai lần Bác về thăm quê đấy”. Cả “bầy chim non” ồ lên ngạc nhiên và nhiều cháu cứ nằng nặc đòi cô cho ngồi lên lái thử. Khi đưa các cháu vào đến sân nhà Bác ở Làng Sen thì “bầy chim non” thi nhau chạy ào vào nhà Bác. Các cháu bắt đầu hỏi đủ thứ, nào là vì sao nhà Bác Hồ lại lợp bằng tranh, giường nhà Bác không có màn thì chắc là muỗi cắn nhiều lắm… Chứng kiến không khí vui nhộn của “bầy chim non” trong ngôi nhà tranh đơn sơ của Bác Hồ, ai cũng rưng rưng xúc động.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt người về thăm quê Bác Hồ tại Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên (Trường Mầm non Việt Sing) tâm sự: “Trường em mới thành lập năm nay, nên đây là lần đầu tiên nhà trường đưa các cháu lớp 5 tuổi lên thăm quê Bác. Mặc dù đã đến quê Bác không ít lần, nhưng đưa các cháu đi lần này cảm xúc thật đặc biệt, khó tả… như anh thấy đấy”. Trong số nhiều đoàn khách đến thăm quê Bác, chúng tôi gặp đoàn của các bác, các cô ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thanh Hà (Hải Dương). Bác Đỗ Hữu Thái - hội viên của hội phấn khởi: “Tôi đã 3 lần đến thăm quê Bác rồi, nhưng mỗi khi có điều kiện là tôi vẫn cứ đi. Mỗi lần về Kim Liên tôi lại thấy thêm phần ý nghĩa, càng thấm nhuần hơn lời Bác dạy về cần, kiệm, liêm, chính…”. Ông Andrew - một du khách đến từ Anh quốc, sau khi đi tham quan từ trong ra ngoài ngôi nhà tranh quê Bác ở Làng Sen, đã trầm trồ: “Tôi từng được đọc và nghe kể về tuổi ấu thơ của Bác Hồ của các bạn. Nhưng quả thật, về đây, xem ngôi nhà bé nhỏ này, cái vườn trồng cây này, rồi lối đi dưới rặng tre… Một nơi nghèo khó nhưng thanh bình đã sinh ra một con người mà nhân dân các bạn không ai là không kính trọng, ngưỡng mộ…”.

Du khách nghe kể về tuổi thơ của Bác tại Nhà lưu niệm ở Làng Sen

Những ngày tháng năm này cũng là thời gian cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên tất bật đón khách đến thăm quê Bác. Ngay sau khi vừa hướng dẫn một đoàn khách từ Hà Nội vào dâng hương và dâng hoa báo công lên Bác, gặp chúng tôi, ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên, vừa lau mồ hôi trán vừa cười: “Những ngày này anh em làm việc hết công suất, mệt nhưng rất vui các chú ạ, vì chúng tôi luôn tâm niệm, luôn coi mình là những người con Kim Liên tiếp đón mọi người về thăm quê Bác”. Mỗi năm, Khu di tích Kim Liên đón khoảng từ 1,6 đến 1,8 triệu lượt người tới viếng thăm. Có những thời điểm người đến rất đông, như dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, có trên 136.000 lượt người về thăm quê Bác. Có thời điểm đường từ quê nội Làng Sen sang quê ngoại Hoàng Trù bị tắc. Không chỉ người trong nước mà ngày càng có nhiều khách nước ngoài đến từ nhiều nước như: Lào, Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc… Ông Hòe xúc động cho biết: “Kim Liên giờ không chỉ là điểm đến tham quan của bà con trong nước và khách nước ngoài, mà quê Bác đã và đang trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn Bác Hồ. Quê Bác là nơi diễn ra các hoạt động đầy ý nghĩa như: Lễ kết nạp Đảng, lễ báo công, lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến, lễ phát động và tuyên dương các cá nhân, tập thể trong cuộc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...”

Trước khi rời Kim Liên, chúng tôi vào Nhà tưởng niệm Bác và thật xúc động khi bắt gặp trong sổ vàng những dòng bút tích trang trọng, ấm áp, tri ân của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, của những vị khách nước ngoài,… dành cho Bác. Mới đây, ngày 8-4, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, sau khi dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bác đã trang trọng ghi vào sổ vàng: “Chúng cháu bày tỏ lòng biết ơn và đời đời tưởng nhớ đến Bác - vị Cha già kính yêu của dân tộc, người đã làm rạng danh non sông, đất nước Việt Nam. Chúng cháu nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như mong muốn của Bác”

Duy Cường

Trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”


Ngày 18-5, tại TP Vinh, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khai mạc trưng bày chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế” và “Nghệ An - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh”.

Với gần 500 hiện vật, ảnh, tư liệu được trưng bày trên diện tích 500m2 đã giúp công chúng thêm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, hiểu về tình cảm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Bác… Thời gian tổ chức trưng bày chuyên đề về Bác Hồ diễn ra đến ngày 15-7-2015.
Cùng ngày, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức trọng thể lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời dự lễ tổng kết 4 năm thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã khen thưởng 22 tập thể và 22 cá nhân là những điển hình tiêu biểu trong thực hiện học tập và làm theo gương Bác. 19 tác giả và nhóm tác giả được trao bằng khen trong thực hiện cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Duy Cường - Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục