Mặc dù Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã công bố quyết định xử lý hàng loạt cán bộ lãnh đạo huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang do sai phạm trong vụ cưỡng chế đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, trong đó có Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, nhưng người dân Tiên Lãng vẫn chưa hài lòng. Vì họ cho rằng còn nhiều cán bộ khác lọt tội hoặc không bị kiểm điểm.
Mong gặp Thủ tướng
Sau khi Thành ủy Hải Phòng công bố kỷ luật 4 cán bộ huyện, xã, hôm qua 8-2, Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng (gọi tắt là Liên chi hội) đã có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự không bằng lòng với quyết định xử lý các cán bộ sai phạm như Thành ủy Hải Phòng đã đưa ra và kiến nghị kỷ luật thêm 7 cán bộ khác có liên quan.
Ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Liên chi hội, cho rằng ngoài Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị đình chỉ công tác, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên về mặt Đảng, đã để xảy ra một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vậy phải là Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng. Theo đó, đề nghị cách chức, buộc thôi việc và khai trừ Đảng đối với Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Nghĩa.
Liên chi hội cũng đề nghị cách chức, buộc thôi việc, khai trừ Đảng đối với nhiều cán bộ là: Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN-MT huyện phụ trách quản lý đất đai, đã để xảy ra nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng; Vũ Văn Hè, Trưởng phòng Tư pháp huyện, vì tham mưu giúp việc Chủ tịch UBND huyện có nhiều sai phạm cá nhân; Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, đã phát ngôn ngược với chủ trương, đường lối chính sách và ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, vì trực tiếp tham mưu, giúp việc Chủ tịch UBND huyện điều hành công việc trái pháp luật trong vụ cưỡng chế thu hồi đất này.
Liên chi hội cũng đề nghị cách chức, khai trừ Đảng, buộc thôi việc đối với 2 lãnh đạo của xã Vinh Quang là Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã và Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã, vì trực tiếp chỉ đạo việc thu hồi, cưỡng chế đất nhưng hiện chỉ bị Thành ủy Hải Phòng yêu cầu kiểm điểm về trách nhiệm cá nhân.
Tuy nhiên, về trường hợp ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, bị Thành ủy Hải Phòng đình chỉ công tác, Liên chi hội không đồng tình vì ngày 18-10-2010 và liên tiếp trong năm 2011, ông Khanh đã phản đối việc cưỡng chế đất của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng. Trao đổi với PV Báo SGGP vào trưa qua, ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội, đồng thời là một chủ đầm, cho rằng ông Khanh đã bị ép làm trưởng ban cưỡng chế. Nếu ông Khanh không hoàn thành nhiệm vụ sẽ mất chức. Đây là việc làm không lành mạnh, cần phải xem xét.
Để làm rõ những khuất tất trong vụ cưỡng chế đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Vươn và những người dân khác, ông Luân đề xuất: “Chúng tôi và những người trong Liên chi hội đã thống nhất quan điểm và đề đạt nguyện vọng được trực tiếp gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP Hải Phòng và các bộ, ngành chức năng sắp tới để trình bày đầy đủ hơn những tiếng nói của mình”.
Hủy hoại tài sản của dân có tổ chức
Hôm qua, sau khi có thông tin Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền bị đình chỉ công tác, chờ cơ quan điều tra làm rõ sai phạm liên quan, người dân xã Vinh Quang kéo ra đường và đê biển bày tỏ nỗi niềm liên quan tới vụ cưỡng chế cũng như kết quả xử lý cán bộ. Mọi người đều lộ rõ niềm vui, nhưng khẳng định vẫn chưa hài lòng vì còn nhiều sai phạm khác chưa được làm rõ. Còn nhiều cán bộ sai phạm rành rành nhưng vẫn ung dung tự tại. Bà con bức xúc nhất chuyện một số cán bộ xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng chỉ đạo phá nhà, tiêu hủy tài sản của dân, khai thác trái phép thủy sản, hoa lợi trong đầm ông Vươn nhưng lại bảo “dân bức xúc phá”.
Chính sự mạnh tay của lãnh đạo TP Hải Phòng đã giúp nhiều người dân ở xã Vinh Quang mạnh dạn đứng ra tố cáo sai phạm. Cụ Lê Hữu Vững (81 tuổi, ở xóm Chùa, xã Vinh Quang) trên tay cầm cả xấp đơn bức xúc: “Cán bộ đã bị xử lý, nhưng họ còn nợ dân lời xin lỗi, khi bảo rằng chúng tôi đốt phá nhà anh Vươn”.
|
Trong lá đơn, có chữ ký của nhiều người dân xóm Chùa, nêu rõ: Sáng 5-1, đầm anh Vươn bị cưỡng chế thì chiều hôm đó, chúng tôi đã thấy những lều coi đồng của anh Vươn nghi ngút khói. Vào sáng hôm sau, có một nhóm cán bộ và bảo vệ theo “hộ tống” một máy xúc màu vàng chạy vào khu đầm anh Vươn để tổ chức phá ngôi nhà 2 tầng. Vậy mà sau đó, ông Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và cả ông Chánh văn phòng UBND huyện bảo rằng dân phá.
Anh Vũ Văn Khánh, ở xóm Chùa, cũng khẳng định: “Sáng 6-1, tôi đi làm đầm, tận mắt xem cảnh đập phá ngôi nhà anh Vươn. Ngoài tôi ra còn 6 người khác chứng kiến. Chiếc máy xúc do cậu Tài ở xã Tiên Hưng lái, hiệu Con Cò, đập phá ngôi nhà ầm ầm. Còn những chỗ bị cháy là do đốt ngay chiều và đêm hôm trước, chính ban cưỡng chế của xã đốt. Những cái gì cháy được là cháy, chỉ trơ lại cái nhà không”.
Trong lá đơn gửi UBND TP Hải Phòng và Thanh tra Chính phủ cũng như gửi cho báo chí chiều qua, ông Nguyễn Văn Khai cùng 7 người dân khác ở xã Vinh Quang khẳng định, chính họ là những người đã chứng kiến vụ đập phá nhà ông Vươn. Sáng 6-1, khoảng 7 công an viên và xã đội dẫn đường cho xe xúc vào phá ngôi nhà của anh em ông Vươn. Trực tiếp chỉ đạo là ông Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã.
Văn Phúc - Quốc Khánh
Bộ NN - PTNT và Bộ TN - MT báo cáo Chính phủ vụ cưỡng chế đầm
Chiều qua 8-2, ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, người vừa dẫn đầu đoàn kiểm tra vụ cưỡng chế đầm của gia đình ông Vươn, cho biết, sáng cùng ngày, ông Nguyễn Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, báo cáo về kết quả kiểm tra và những ghi nhận của Bộ NN-PTNT đối với vụ việc tại Tiên Lãng.
Theo ông Thể, về cơ bản, việc nuôi trồng thủy sản tại đầm của ông Vươn đảm bảo theo đúng quy hoạch và mục đích được giao, không vi phạm các quy định về môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo tạo ra giá trị gia tăng. Tuy nhiên, gia đình ông Vươn hiện còn nợ Chi cục Thuế huyện Tiên Lãng hơn 10 triệu đồng tiền thuế đất nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian được giao hơn 40ha đầm, ông Vươn cũng cho người khác thuê lại diện tích 5,6ha trong 8 năm, giá mỗi năm 5 triệu đồng/ha.
Chiều 8-2, Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết đoàn công tác của bộ đã hoàn thành báo cáo kết quả làm việc với chính quyền TP Hải Phòng về thực thi pháp luật về đất đai trong vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Vươn. Báo cáo này đã được gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
V.Phúc - N.Quốc - A.Thư
Khởi tố vụ án “Hủy hoại tài sản công dân”
Chiều 8-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hải Phòng đã quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại tài sản công dân” liên quan tới vụ cưỡng chế đất tại đầm nuôi thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 5-1. Theo thượng tá Lê Đức Năm, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) về việc ngôi nhà bị san phẳng, tài sản và thủy sản trong đầm của ông Vươn bị “bốc hơi”, lãnh đạo TP Hải Phòng đã giao Công an TP điều tra làm rõ. Sau khi khởi tố vụ án này, cùng ngày, Công an Hải Phòng đã khám nghiệm hiện trường vụ phá hoại nhà ông Vươn để điều tra, cũng như đánh giá mức độ thiệt hại.
Ai vét cạn thủy sản trong đầm?
Trả lời báo chí tại buổi họp chiều 7-2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng dẫn báo cáo của cơ quan điều tra ban đầu cho biết, trước thời điểm cưỡng chế không lâu, gia đình ông Vươn đã có 4 lần đánh bắt, khai thác tôm cá trong đầm.
Liệu có chuyện hàng chục tấn tôm cá bỗng dưng mất tích như khai báo của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn)? Các ông Vũ Văn Khánh, Lê Văn Doãn, Vũ Mạnh Khỏe… ở xã Vinh Quang, hàng xóm gia đình ông Vươn, trả lời báo chí.
- PV: Chuyện tôm cá trong đầm ông Vươn bị vơ vét cạn kiệt sau khi bị cưỡng chế có thật không?
Cá trong đầm ông Vươn bị mất bây giờ cứ hỏi bên tiếp quản là Công an xã Vinh Quang sẽ rõ. Vì ngay sau khi đầm bị cưỡng chế, công an xã được giao tiếp quản.
- Ngoài công an xã có lực lượng nào khác không?
Có một số người dân xã Vinh Quang và một số người ở xã khác nữa. Những người này cũng là dân làm đầm.
- Bí thư Thành ủy Hải Phòng có nói gần thời điểm cưỡng chế, gia đình ông Vươn đã tổ chức đánh bắt 4 lần, có đúng không?
Không phải như thế. Chúng tôi ở đây nên chúng tôi biết, mặc dù trước đó người ta có đánh bắt cá nhưng không phải đánh bắt vét, tức khai thác tận thu toàn bộ để kết thúc vụ. Ông Vươn chỉ đánh bắt theo kiểu điểm xuyết, nên trong đầm còn rất nhiều tôm, cá.
- Thế bây giờ dưới đầm có còn tôm cá nữa không?
Còn nhưng số lượng không đáng kể. Trước khi cưỡng chế 10 bây giờ chỉ 1 thôi!
- Các bác là người nhà ông Vươn?
Ở xóm này, chúng tôi không ai có họ hàng gì với ông Vươn cả, chỉ là hàng xóm với nhau.
- Có ai cử các ông gặp gỡ báo chí không?
Không ai cử chúng tôi cả. Chúng tôi thấy nhiều đoàn xe, đoàn cán bộ về kiểm tra thì ra xem thôi. Ngày mai các anh về đây sẽ gặp những người dân khác và cũng bày tỏ nỗi bức xúc như chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong làm rõ trắng đen để người dân yên tâm mưu sinh.
Trong khi không ít người dân ở xã Vinh Quang đều cho rằng có việc khai thác, đánh bắt trộm thủy sản trong đầm ông Vươn nhưng lãnh đạo xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đều từ chối trả lời và cho rằng hãy để cơ quan điều tra làm rõ!
Phải trả lại tài sản cho gia đình ông Vươn
Ngày 8-2, ông Võ Văn Trác, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, đã có buổi làm việc với Thành hội Nghề cá Hải Phòng, lãnh đạo Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng. Ông Võ Văn Trác khẳng định: “Chính những người dân đầu tiên có công khai phá đầm hoang, quai đê lấn biển, đổ mồ hôi và thậm chí cả xương máu cũng vì mục đích tăng gia sản xuất nuôi trồng thủy sản. Chúng ta cần phải hoan nghênh, ủng hộ, thậm chí phải noi gương những người như ông Vươn”.
Ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội, đã kiến nghị với Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam 5 vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất của huyện Tiên Lãng. Theo đó, yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu hồi quyết định cưỡng chế đất đối với ông Đoàn Văn Vươn và ông Vũ Văn Luân.
Thu hồi quyết định dừng đầu tư đối với toàn bộ các thành viên của Liên chi hội. Khẩn trương giao lại toàn bộ diện tích đất đã có quyết định dừng đầu tư cho thành viên Liên chi hội để sản xuất. Bồi thường toàn bộ thiệt hại, trả lại tài sản cho ông Vươn, ông Quý, đồng thời bồi thường thiệt hại do quyết định dừng đầu tư của UBND huyện Tiên Lãng. Cuối cùng là phải làm rõ trách nhiệm, cá nhân, tổ chức hội đồng cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng về tội “cố tình chiếm đoạt, hủy hoại tài sản công dân có tổ chức”.