Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn

Giorgio Bettinelli, 37 tuổi, bỏ lại mọi mối quan hệ, bỏ lại công việc ở nhà hát, cho thuê căn hộ ở Rome, “chạy trốn” sang Bali (Indonesia) để tìm lại cuộc sống đích thực. Thế rồi, anh được một người bạn địa phương gán nợ bằng chiếc xe Vespa hoen gỉ. Bỏ thêm 45 USD, chiếc Vespa đã được tân trang như mới và Giorgio bắt đầu đi vòng quanh đảo bằng chiếc xe cũ kỹ. Nhờ chiếc Vespa, anh đã khám phá biết bao con đường, ngôi làng, lễ hội của người dân trên đảo với nhiều cảm xúc trong tâm hồn.
Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn

Giorgio Bettinelli, 37 tuổi, bỏ lại mọi mối quan hệ, bỏ lại công việc ở nhà hát, cho thuê căn hộ ở Rome, “chạy trốn” sang Bali (Indonesia) để tìm lại cuộc sống đích thực. Thế rồi, anh được một người bạn địa phương gán nợ bằng chiếc xe Vespa hoen gỉ. Bỏ thêm 45 USD, chiếc Vespa đã được tân trang như mới và Giorgio bắt đầu đi vòng quanh đảo bằng chiếc xe cũ kỹ. Nhờ chiếc Vespa, anh đã khám phá biết bao con đường, ngôi làng, lễ hội của người dân trên đảo với nhiều cảm xúc trong tâm hồn.

“Vào một đêm, khoảng năm giờ sáng, tôi giật mình tỉnh giấc, choáng váng với những hình ảnh trong giấc mơ vừa trải qua: Tôi lao như tên bắn trên một chiếc Vespa của thập niên 50, ăn mặc như một tay đua, trong khung cảnh nước Italia của thập niên 50, rồi dần chuyển thành hình ảnh một đội quân dài vô tận của Taj Mahal, cuối cùng là hình ảnh về một Việt Nam màu sắc, với những người phụ nữ đội nón rơm, những cánh đồng xanh bất tận…” - Giorgio viết.

Giorgio quyết định trở về Roma, mua một chiếc Vespa mới rồi đi tới Việt Nam. Ngày 30-7-1992, anh khởi động chiếc Vespa với dòng chữ bên hông “Từ Italia tới Việt Nam” và lên đường. Ngày 1-3-1993, đúng bảy tháng sau khi khởi hành, trải qua 24.000km, Giorgio chống chân chiếc Vespa tại trung tâm TPHCM. “Tôi tự thưởng cho mình điếu thuốc đầu tiên, nhấp từng ngụm bia mát lạnh và ngây ngất trong cảm giác thích thú. Người Việt Nam thân thiện như thế đấy, họ sẵn sàng cởi mở với số người ngoại quốc ít ỏi tình cờ gặp mặt, sau tất cả nỗi đau họ phải gánh chịu không chỉ trong chiến tranh chống Mỹ mà trong cả cuộc chiến chống Pháp để giành độc lập. Cứ như thể họ không còn chút thù hận nào với người phương Tây. Thậm chí còn luôn vui vẻ mỉm cười… Người Việt Nam vui tươi như thế đấy, họ có khát khao cháy bỏng được vui chơi và lãng quên thay vì ngồi trong xó xỉnh để gặm nhấm những vết thương… Đây chính là những điều khiến tôi ngỡ ngàng nhất qua mỗi lần tiếp xúc với họ. Và nó càng làm tăng thêm ý nghĩa thần thoại sẵn có của dân tộc này…

Ông Lorenzo Angeloni, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam, nhận xét: “Để có thể trải qua cả quãng thời gian đó trên chiếc Vespa, lái xe qua những vùng hoang sơ và nguy hiểm, hoàn thành chuyến du hành xa lắc mà anh dần tưởng tượng ra, nếu chỉ bằng cách sống vượt ra ngoài khuôn khổ những giá trị truyền thống thì chưa đủ. Phải có một niềm đam mê cháy bỏng để tạo ra một sự gắn bó đặc biệt. Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn là bản tổng kết của một chuyến đi phi thường và dù được thực hiện cách đây hơn 20 năm, nhưng câu chuyện vẫn giữ được nguyên vẹn sức cuốn hút và tính hiện thực của một cuốn sách du ký vĩ đại…”.

Sau chuyến đi từ Roma đến Sài Gòn - TPHCM, Giorgio tiếp tục những chuyến du ký bằng Vespa: 36.000km từ Alaska đến Patagonia; 52.000km từ Melbourne đến Cape Town; 144.000km từ Chile đến Tasmania... Và cuộc đời phiêu lãng của huyền thoại Vespa này khép lại với chuyến đi vòng quanh Trung Quốc, trong 18 tháng, vượt qua 39.000km. Năm 2008, ông đột ngột qua đời vì bạo bệnh ở Trung Quốc.

——

* Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn, Công ty Sách Thái Hà và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục