
Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) là nơi tránh bão. Điều đó ai cũng biết! Thế nhưng trên thực tế có một nghịch lý, cứ mỗi lần có bão, lần nào cũng thế, các ngành chức năng Đà Nẵng phải hao công tốn sức vận động ngư dân đưa tàu thuyền vào đây để tránh bão. Thậm chí đã dùng biện pháp cưỡng chế nhưng ngư dân vẫn cứ... né tránh.

Trong cơn bão số 6 (bão Xangsane), UBND TP Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn đoạn từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến cầu Thuận Phước và buộc phải neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang. Thế nhưng, đến khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền (rạng sáng 1-10) thì trên sông Hàn vẫn còn hàng trăm tàu thuyền neo đậu và chông chênh theo cơn bão.
Trong quá trình chuẩn bị phòng chống bão số 7 (bão Cimaron), điều ấy lại một lần nữa xảy ra. TP ra lệnh tàu thuyền vào âu thuyền tránh bão, tàu thuyền thì lòng vòng trên sông Hàn, hoặc bí quá mới chạy ra cửa Âu thuyền Thọ Quang để tránh… lực lượng chức năng.
Theo thống kê, trong bão số 6 chỉ có 488 chiếc, bão số 7 chỉ có 290 chiếc tàu thuyền lớn nhỏ trên tổng số hàng ngàn tàu thuyền vào trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang. Số còn lại thì chạy lòng vòng trên sông Hàn hoặc neo tại bờ Đông sông Hàn. Nhiều ngư dân tâm sự, không phải họ chống đối chính quyền, coi thường tính mạng, tài sản của mình... mà là do âu thuyền còn quá nhiều điều chưa an tâm.
Khi tiếp xúc với chúng tôi, ngư dân nào cũng nói câu đó làm lý do cho việc không vào tránh bão tại Âu thuyền Thọ Quang. Anh Ngô Nam Trung, chủ tàu QNg 98895 (Đức Phổ, Quảng Ngãi), người có trên 15 năm nghề biển và đã từng trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang, cho biết: Âu thuyền quá chật, trong khi tàu thuyền lại nhiều nên việc tránh bão tại đây rất khó khăn.
Khi có gió bão, tàu thuyền va vào nhau hư hỏng. Bão số 6 vừa rồi, tui phải chặt neo thoát ra ngoài để tránh vỡ tàu… Mặt khác, Âu thuyền Thọ Quang chỉ có một cửa độc đạo nên tàu nào chấp hành tốt lệnh của TP vào âu thuyền trú bão trước thì phần lớn bị mắc kẹt khi bão tan. Số còn lại bị mắc cạn do đáy âu thuyền có địa hình lòng chão. Chính vì thế, ai cũng “nạnh” nhau không chịu vào âu thuyền trước.
Anh Lê Xuân Lý, chủ tàu ĐNa 90134 (phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: Trong bão số 6, tàu của tui tránh bão tại đây. Khi gió bão ập vào, do âu thuyền hẹp mà lượng tàu thuyền chen chúc nên có cái đứt neo, va đập vào tàu tui làm gãy bàn đạo - bàn úp thúng câu, mất 10 triệu đồng…
Do tàu thuyền nhiều nên số tàu thuyền nằm trong cùng bị các tàu phía ngoài ép lên bờ kè khi triều lên. Khi triều xuống, hầu hết số tàu thuyền nằm trong cùng đều bị mắc cạn do không thoát ra kịp. Để cẩu mỗi chiếc tàu thuyền mắc cạn đưa xuống nước mất từ 10 đến 20 triệu đồng.
Chỉ tính riêng trong bão số 6, có 488 chiếc tàu vào neo đậu ở Âu thuyền Thọ Quang thì có đến 115 chiếc bị mắc cạn. Và cho đến nay, đã một tháng từ khi bão số 6 đi qua, nhiều tàu thuyền của ngư dân vẫn còn mắc cạn trên bờ kè của âu thuyền chưa thể đưa xuống nước để tiếp tục đánh bắt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Bá Hùng, Phó trưởng Ban quản lý Âu thuyền Thọ Quang, cho biết: Theo dự án tổng thể, Âu thuyền Thọ Quang có tổng diện tích mặt nước là 58 ha, sức chứa từ 12 đến 15 ngàn tàu. Theo thiết kế ban đầu là có hai cửa phục vụ cho việc vào ra của các tàu.
Nhưng khi hoàn tất giai đoạn 1 thì Âu thuyền Thọ Quang chỉ còn một cửa độc đạo, khiến việc vào - ra của tàu thuyền gặp khó khăn. Tàu nào nghiêm chỉnh chấp hành vào neo đậu trước thì khi xuất bến lại phải ra sau cùng, không còn cách nào khác…
Hàng năm, miền Trung phải đón nhận hàng chục cơn bão nên Âu thuyền Thọ Quang là rất cần thiết cho tàu thuyền của Đà Nẵng và tàu thuyền miền Trung vào tránh bão. Âu thuyền là để tàu thuyền tránh bão an toàn! Chính vì thế, các ngành chức năng TP Đà Nẵng sớm có biện pháp để Thọ Quang thật sự là một âu thuyền theo đúng nghĩa của nó.
NGUYÊN KHÔI