Vì sao Trung Quốc buộc truyền hình để yên cho trẻ em?

Đứa trẻ bị "chải chuốt" trước camera dễ bị tổn thương
Vì sao Trung Quốc buộc truyền hình để yên cho trẻ em?

(SGGPO).- Cục Quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc ngày 17-4 ban hành quy định cấm sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình thực tế tập trung vào trẻ em. Ngoài ra, Luật quảng cáo sửa đổi của Trung Quốc cấm trẻ em dưới 10 tuổi đại diện quảng cáo cho mọi sản phẩm.

Từ khi chương trình truyền hình thực tế Dad! Where Are We Going? (Bố ơi! Mình đi đâu thế?) lên sóng truyền hình Trung Quốc trong năm 2013, ngày càng có thêm nhiều chương trình tập trung vào con của người nổi tiếng, đưa những đứa trẻ trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm.

Những đứa trẻ cùng cha - người nổi tiếng trong chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế? trên truyền hình Trung Quốc. Ảnh: Hunan TV

Đứa trẻ bị "chải chuốt" trước camera dễ bị tổn thương

Nhiều thương hiệu và công ty nhanh chóng chộp lấy các ngôi sao nhí này để quảng cáo sản phẩm và hoạt động của họ. Trong khi nhiều đứa trẻ hưởng lợi từ các cơ hội mà sự nổi tiếng mang lại, ngày càng có nhiều lo ngại về các tác động tiêu cực đối với tinh thần và thể chất của trẻ em nổi tiếng sớm.

Để đưa trẻ em ra khỏi ánh đèn sân khấu và cho trẻ tận hưởng tuổi thơ mà trẻ có quyền hưởng, Cục Quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) ngày 17-4 đã ban hành quy định cấm sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình thực tế tập trung vào con của người nổi tiếng.

Ma Xiaoyan, Trường Truyền thông thuộc Đại học Sơn Đông, cho biết trên Tân Hoa Xã, trước đây, người nổi tiếng luôn cố gắng bảo vệ con mình khỏi con mắt công chúng, nhưng điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của loại chương trình truyền hình thực tế đáp ứng sự tò mò của khán giả về cuộc sống của những người nổi tiếng.

Nhưng sự nổi tiếng là một con dao 2 lưỡi với bất kỳ ai, đặc biệt là trẻ em. Trình diễn ở độ tuổi quá sớm có thể ảnh hưởng hành vi của trẻ, sự yêu ghét của khán giả là cái giá phải trả cho chính đứa trẻ.

Những ngôi sao nhí thường bị cho là "giả dối, hách dịch, hư hỏng", nhưng điều đó đặt ra câu hỏi rằng, liệu có hợp đạo đức khi phán quyết như vậy với những đứa trẻ vẫn đang lớn lên và vẫn đang tìm con đường của mình trên thế giới?

Các chuyên gia phát triển trẻ em cảnh báo rằng việc "chải chuốt" đứa trẻ để hành xử theo một cách nào đó trước camera sẽ làm tổn thương trẻ.

Khai thác sao nhí mang lại 1,55 tỷ USD mỗi năm

Trở thành một ngôi sao nhí có thể gây hại cho trẻ, đặc biệt là khi việc theo đuổi danh tiếng là do mong muốn của cha mẹ chứ không phải quyết định của chính đứa trẻ, nhà tâm lý học trẻ em Hou Lixia cho biết.

Nhưng lợi nhuận đã quyết định khi các chương trình truyền hình thực tế là lĩnh vực kinh doanh béo bở ở Trung Quốc. Thống kê của SAPPRFT cho thấy, trong năm 2015 có hơn 100 chương trình giải trí được phát sóng trên các kênh truyền hình toàn quốc, đem lại doanh thu quảng cáo hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,55 tỷ USD). Nhiều chương trình trong số này tập trung khai thác các ngôi sao nhí.

Chương trình Dad! Where We Are Going? bùng nổ trên truyền hình đã thúc đẩy gia tăng đầu tư vào lĩnh vực truyền hình thực tế.

Poster chương trình truyền hình thực tế Bố ơi! Mình đi đâu thế? ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Wu Wenbo, Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho biết: "Đó là sự khởi đầu một kỷ nguyên mới trong truyền hình, đặc trưng bởi doanh thu khủng". Theo Wu, các ngôi sao hàng đầu có thể bỏ túi hàng triệu nhân dân tệ chỉ trong một chương trình. Trong một số trường hợp, đứa trẻ nổi tiếng còn thúc đẩy sự nghiệp cho cha mẹ, từ bình thường lên nhảy lên ngôi sao hạng A.

Zhang Liang, một người mẫu tham gia Dad! Where We Are Going? mùa đầu tiên đã có thu nhập trình diễn tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 tháng sau khi xuất hiện trong chương trình này.

Hăm hở hốt bạc, các đài truyền hình và các công ty sản xuất chương trình đã nhanh chóng ký hàng loạt hợp đồng với những người nổi tiếng và con của họ để tung ra nhiều phiên bản mô phỏng Dad! Where We Are Going?.

"Thực tế đáng buồn là nhiều ngôi sao nhí đang bị khai thác như hàng hóa", Ma cho biết.

Trung Quốc cấm trẻ dưới 10 tuổi quảng cáo sản phẩm

Vào tháng 7-2015, SAPPRFT đã ban hành quy định nhằm hạn chế sự tham gia của trẻ em trong các chương trình truyền hình thực tế. Tuy nhiên, trong quy định mới ngày 17-4, SAPPRFT đã cấm hoàn toàn việc này.

Ngoài ra, luật quảng cáo sửa đổi của Trung Quốc, có hiệu lực vào tháng 9 tới, cấm trẻ em dưới 10 tuổi đại diện quảng cáo cho mọi sản phẩm.

Theo các chuyên gia phát triển trẻ em, các biện pháp mạnh này sẽ giúp bảo vệ tinh thần và thể chất cho trẻ em. Con của người nổi tiếng cũng là trẻ em và phải được quyền hưởng thụ tuổi thơ của mình, và đó là trách nhiệm của xã hội để trẻ em đúng là trẻ em.

HỒNG CHUYÊN

Tin cùng chuyên mục