Đã hơn 6 tháng trôi qua từ khi chiến dịch dành lại vỉa hè cho người đi bộ được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán... vẫn tiếp tục tái diễn.
Tháng 3-2017, Hà Nội đã tiến hành ra quân dọn vỉa hè, xử lý những vi phạm hoạt động và công trình lấn chiếm vỉa hè một cách rất quyết liệt. Nhiều quận huyện, nhất là ở khu vực nội đô, lực lượng chức năng đã kiên quyết phá bỏ những công trình của các hộ dân lấn chiếm, phá bỏ bậc tam cấp, tháo dỡ biển hiệu, yêu cầu để phương tiện giao thông đúng nơi quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán trái phép trên vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố.
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trong những ngày đầu ra quân lập lại trật tự đô thị, toàn thành phố đã huy động gần 22.700 lượt cán bộ vào cuộc, gửi trên 111.000 thư ngỏ, hàng nghìn lượt hộ dân đã ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè…
Hồi giữa tháng 5-2017, tại cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra xuống các quận huyện, với mục đích không để diễn ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; đưa ra hình thức kỷ luật nếu cán bộ phường cố tình buông lỏng quản lý.
Vỉa hè tại khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm bị lấn chiếm bừa bãi Ảnh: NGỌC HOA Thế nhưng, đến nay những chuyển biến tích cực của những ngày đầu trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ trên địa bàn Thủ đô dường như đã biến mất.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều tuyến phố tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... vỉa hè lại bị “tái chiếm”, người đi bộ vẫn bị “đẩy” xuống lòng đường.
Dọc một số con đường mặt phố tại quận Hoàng Mai như Linh Đàm, Định Công Thượng, Nguyễn Hữu Thọ... các chủ hộ kinh doanh mỹ nghệ, đồ gỗ bày bán tràn lan trật kín vỉa hè, chèn ra ngoài vạch trắng, mà vốn dĩ dành cho người đi bộ.
Tại phố Pháo Đài Láng, đường Láng, đường Nguyễn Chí Thanh... thuộc quận Đống Đa, vốn là những nơi tiến hành ra quân dọn vỉa hè quyết liệt nhất, thì nay hàng quán, xe cộ dừng đỗ chật kín vỉa hè và dừng đỗ dưới lòng đường.
Tại phố Nguyễn Quý Đức, (quận Thanh Xuân), người bán quần áo, đồ chơi... vô tư bày tràn ra vỉa hè để thu hút khách. Ở khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, trên các tuyến phố đông đúc như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Đinh Liệt, Tạ Hiện..., bàn ghế, quầy hàng, xe máy lại được bày la liệt trên vỉa hè.
Việc ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè của một số chủ cơ sở kinh doanh cùng với việc để bừa bãi các phương tiện giao thông xe máy, xe đạp khiến người đi bộ chỉ còn cách bất chấp nguy hiểm đi xuống lòng đường khi lưu thông.
Vỉa hè và cả lòng đường ở phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) đều bị lấn chiếm Ảnh NGỌC HOA Tình trạng lấn chiếm vỉa hè tràn lan diễn ra nhiều nhất là vào buổi tối, tất cả các quán ăn, quán nhậu vẫn ngang nhiên bày bán trên vỉa hè, các quán cà phê, quán ăn để xe thậm chí xuống cả lòng lề đường.
"Không chỉ buổi tối các quán mới để xe ra tận lòng đường, ban ngày mà đông khách cũng để. Thời gian đầu thật sự có chuyển biến tích cực nhưng tới nay mọi thứ đã trở lại như cũ” - Ông Nguyễn Văn Công, người dân ở phố Nguyễn Chí Thanh ngán ngẩm cho biết.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, việc “trả lại” vỉa hè cho người đi bộ cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như hiện nay. Muốn vậy, đầu mối và trách nhiệm quản lý vỉa hè cần được xác định rõ. Với các trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm.
NGỌC HOA