Vỉa hè lại bị tái chiếm

Sau những đợt ra quân đồng loạt tại nhiều quận huyện, phường xã chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, tình hình có chuyển biến tích cực. Nhưng rồi những tháng gần đây, nhiều địa phương có biểu hiện buông lỏng. Mùa kinh doanh tết đang đến, tình trạng chiếm dụng vỉa hè và cả lòng đường để bán hàng, mở quán ăn, làm bãi đậu xe… lại tái diễn tràn lan. 

Vào đầu buổi sáng hoặc giờ tan tầm buổi chiều, các tuyến đường Đặng Văn Sâm, Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận), Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Dương Bá Trạc, Phạm Hùng, Tùng Thiện Vương (quận 8)… thường xuyên bị ùn ứ do lưu lượng ô tô và xe máy rất lớn.

Cũng trên các tuyến đường này, xe đẩy bán nước giải khát, đồ ăn vặt bày tràn lan trên vỉa hè và lấn ra lòng đường, đẩy người đi bộ xuống đường, giao thông thêm phần hỗn loạn. Buổi tối, trên vỉa hè nhiều con đường xuất hiện các chợ tự phát với các xe đẩy, hàng gánh bán đồ ăn, thức uống, rất lộn xộn. Nhiều người bán bày bàn ghế nhựa trên vỉa hè để khách ăn uống, xem vỉa hè công cộng như khoảnh sân riêng của mình, khiến bộ mặt đô thị vô cùng bát nháo.

Hai bên đại lộ Phạm Văn Đồng (địa bàn quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh), có nhiều quán nhậu chiếm dụng vỉa hè. Tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), các tiểu thương bán quần áo bày hàng tràn hẳn xuống lòng đường, buộc khách chọn mua hàng cũng phải đứng choán lòng đường. Tại các quận 1, 3, 5…, nhiều hộ có mặt tiền để kinh doanh nhưng vẫn tràn ra lấn chiếm trọn vỉa hè trước nhà làm nơi để xe máy, bày hàng hóa, dựng biển hiệu. 

Dọc tuyến đường Trần Nhân Tôn (quận 10), toàn bộ vỉa hè bị chiếm dụng để đặt bàn ghế, hàng hóa. Lưu lượng xe qua con đường này rất lớn, nên việc mua bán dưới lòng đường gây nhiều nguy hiểm cho cả người mua lẫn người bán.

Ông Phan Tấn Quỳnh, cư dân tại đây, than: “Vỉa hè con đường này bị nhiều người chiếm dụng làm hàng quán và nơi đậu xe, người đi bộ không có lối đi nên phải xuống lòng đường, rất nguy hiểm. Cứ buông lỏng thế này thì những tháng cuối năm tình hình trật tự, vệ sinh và mỹ quan đô thị sẽ càng nhếch nhác, vì đang vào mùa kinh doanh tết”.

Vỉa hè lại bị tái chiếm ảnh 1 Vỉa hè nhiều tuyến đường ở quận Phú Nhuận bị chiếm dụng để buôn bán, mất trật tự an toàn giao thông

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cho hay ban đã có văn bản đề nghị các quận huyện chấn chỉnh tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường, nhưng tình  hình chưa chuyển biến nhiều. Khi lực lượng chức năng ra quân tuần tra kiểm soát, các chủ quán dọn dẹp bàn ghế vào bên trong, nhưng khi lực lượng chức năng rút về, hàng quán lại bày biện ra khắp vỉa hè.

Tình trạng chiếm dụng lòng lề đường đã diễn ra nhiều năm ở TPHCM, đến nay đang tiếp diễn tràn lan. Cứ mỗi lần dư luận người dân và báo chí bức xúc, phê phán về tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường ở địa phương nào đó thì chính quyền và công an nơi đó lại mở đợt cao điểm lập lại trật tự lòng lề đường. Vài ngày sau thấy có chuyển biến, đường thông, vỉa hè thoáng, thế là chiến dịch đi vào... thấp điểm và rồi mọi chuyện lại như cũ.

Nguyên nhân dễ thấy nhất là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, thường tái phạm khi không có  lực lượng chức năng tuần tra. Mặt khác, công tác tuyên truyền vận động, kiểm soát chưa sâu sát và thường xuyên, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân; công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm thiếu kiên quyết, không liên tục.

Hiện tại, mức chế tài đối với các hành vi chiếm dụng vỉa hè ở TPHCM chỉ từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng, không đủ sức răn đe. Do vậy, cần phải tăng mức phạt cao hơn. Cùng với phạt tiền, cần có thêm biện pháp buộc người vi phạm phải khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè.

Việc lập lại trật tự lòng lề đường phải làm bài bản hơn, căn cơ hơn, tránh căn bệnh hình thức. Nên phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị trong việc tuyên truyền, giám sát việc  quản lý, sử dụng lòng lề đường

Tin cùng chuyên mục