Việc điều chỉnh giá điện phải bảo đảm điều hành minh bạch

Quy hoạch điện VIII ban hành chậm hơn 2 năm, ảnh hưởng tới nhiều mục tiêu chiến lược; trong khi  cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện, không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện, chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý.

Gửi báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ cho biết, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới 2030, tầm nhìn 2050 (quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 7-2023. Kế hoạch thực hiện quy hoạch này đang được Bộ Công thương trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt, trong đó sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương.

Tuy nhiên, theo các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, quy hoạch điện VIII được ban hành chậm hơn 2 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết 134/2020. Việc này đã ảnh hưởng tới các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Vấn đề giá điện, các cơ quan tham gia thẩm tra cho rằng, cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện, không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện, chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý.

Theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện

Theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện

Một trong số những bất cập là hiện chưa có quy định về giá phân phối điện, “giá phân phối điện” sẽ do Nhà nước điều tiết tương tự “giá truyền tải điện” dựa trên nhiều yếu tố: phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực; hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện với đơn vị mua điện và trách nhiệm kiểm tra trước khi các bên ký hợp đồng (tiền kiểm); vấn đề tính đúng, tính đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực…

Thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và vấn đề trong điều hành giá bán lẻ điện cũng còn bất cập.

Cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Kinh tế) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện, có tính đến quá trình thực hiện trong thời gian vừa qua và tính phù hợp với giai đoạn sắp tới. Việc điều chỉnh giá phải bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.

Về các giải pháp bình ổn giá điện, đảm bảo cung - cầu điện cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ nêu, giá điện hiện được điều chỉnh theo quyết định 24/2017, với 2 cơ chế: hàng năm và trong năm.

Cơ chế hàng năm điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào tất cả các khâu (phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, điều hành, quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).

Cơ chế trong năm vận hành khi có biến động đầu vào ở khâu phát điện.

Khi các thông số đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì sẽ được xem xét điều chỉnh tăng (nếu giảm thì điều chỉnh giảm) với chu kỳ điều chỉnh là tối thiểu 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Tuy nhiên, điện năng là hàng hóa đặc biệt, việc tăng giá có thể tác động tới kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp nên quyết định 24 cũng quy định việc báo cáo Thủ tướng có ý kiến việc điều chỉnh giá mặt hàng này.

Giá điện giai đoạn 2020-2022 được giữ ổn định. Từ đầu 2022, giá nhiên liệu tăng cao đã làm cho chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Tới 4-5-2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 3% - mức thấp nhất theo quy định tại quyết định 24, nhằm giảm tác động tới nền kinh tế, giải quyết một phần khó khăn tài chính, dòng tiền của EVN.

Tin cùng chuyên mục