
Trong khi tình trạng khiếu nại kéo dài, khiếu kiện tập thể, vượt cấp đang là nỗi bức xúc của nhiều địa phương thì ở phường Cô Giang (quận 1), phường An Lạc (quận Bình Tân) và xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả và hợp lòng dân…

Bí thư phường Cô Giang quận 1 Nguyễn Thị Hiếu (giữa) lắng nghe ý kiến người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG
1. Hiệp Phước là một xã nông nghiệp ở huyện Nhà Bè (TPHCM). Từ năm 2002, một số dự án được triển khai trên địa bàn xã như khu công nghiệp (932 ha), công trình mở rộng đường Nguyễn Văn Tạo, dự án khu tái định cư (29 ha), dự án khu cảng Sài Gòn (54 ha)…
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Diên, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Những dự án này khi mở ra đã có khiếu kiện vì nó liên quan đến đền bù, giải tỏa và đời sống của bà con”. Từ thực tế này, Đảng ủy xã chỉ đạo: Việc thực hiện dự án phải bảo đảm lợi ích chính đáng của bà con trong diện giải tỏa, tuân thủ đầy đủ các quy định Nhà nước. Điển hình như vụ 140 người khiếu nại các công trình lân cận được áp giá cao hơn công trình mở rộng đường Nguyễn Văn Tạo, Đảng ủy xã chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm, tránh để kéo dài.
Cụ thể, xã thống nhất thành lập 4 tổ công tác, trong đó phân công các cán bộ chủ chốt của phường và đoàn thể tiếp cận từng nhóm hộ và một số đối tượng để vận động, giải thích. Chính quyền phối hợp với mặt trận, đoàn thể tổ chức đối thoại trong dân. Nhờ kiên trì đeo bám và thực hiện chính sách đền bù thỏa đáng, minh bạch, nên đa số người dân đồng tình, chấp thuận rút đơn.
Với quan điểm “gần dân để giải quyết việc dân”, xã giải quyết dứt điểm 4 hộ khiếu kiện khi mở rộng Hương lộ 39, hòa giải thành 104 vụ, không để đơn thư tồn đọng và nhờ đó, xã không có trường hợp nào khiếu kiện vượt cấp.
Ông Diên đúc kết: “Một trong những bí quyết của xã Hiệp Phước là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức hòa giải và phổ biến Luật Khiếu nại - tố cáo. Chỉ khi nào hòa giải không thành ở tổ nhân dân, ở ấp thì mới chuyển lên xã”.
2. Cũng là biện pháp an dân, phát huy dân chủ và cộng đồng trách nhiệm trong nhân dân, Đảng ủy phường An Lạc (quận Bình Tân) chủ trương lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch sử dụng, quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn và coi đây là công việc trọng tâm cần tập trung chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc.
Trước tiên, phường niêm yết công khai đồ án quy hoạch sử dụng đất tại 6 khu phố và trụ sở phường. Từ 270 ý kiến của nhân dân, chính quyền phường cùng các cơ quan chức năng của quận tập hợp, cân nhắc và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất vừa phù hợp quy hoạch chung vừa hợp lòng dân.
“Nhưng nếu có những ý kiến khác nhau, chúng tôi tổ chức đối thoại với bà con để phân tích thấu tình, đạt lý trong dân” - Bí thư Đảng ủy phường Huỳnh Văn Dự nhấn mạnh. Trong 4 năm thực hiện chỉnh trang đô thị, chẳng những ở phường không xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai mà bà con còn tự nguyện đóng góp 7,5 tỷ đồng cùng chính quyền nâng cấp 43 tuyến đường và hẻm.
3. Ở phường Cô Giang (quận 1), Đảng ủy phường chọn công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho dân và nêu cao tinh thần phục vụ của cán bộ công chức là khâu đột phá để giải quyết những bức xúc của bà con. Cán bộ là yếu tố quyết định sự thành bại của công việc.
Ở bộ phận tiếp dân, phường bố trí 3 trong 4 cán bộ có trình độ cử nhân luật và cử nhân hành chính. Ngoài ra, phường còn triển khai thực hiện “Phiếu kiểm soát quy trình nội nghiệp” nhằm kiểm tra việc giải quyết hồ sơ ở các bộ phận giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, quản lý đô thị - nhà đất, thương nghiệp, khiếu nại tố cáo.
Bên cạnh đó, phường tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về thời gian, quy trình giải quyết hồ sơ, hướng dẫn thủ tục và thời gian hoàn trả hồ sơ. Phường quy định các văn bản ban hành tới dân bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Đảng ủy, chính quyền phường thống nhất chủ trương: những vấn đề thật cần thiết mới tổ chức họp hành, dành thời gian đi cơ sở, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân. Đảng ủy coi mức độ hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ và hiệu quả vận hành của bộ máy.
Kinh nghiệm ở phường Cô Giang cho thấy, để tránh những khiếu nại, thắc mắc của bà con, phường niêm yết công khai việc giải quyết kiến nghị của dân, kể cả những việc chưa giải quyết được thì cũng nêu rõ lý do, cơ quan xử lý, thời gian dân chờ đợi. “Chúng tôi quan niệm, việc gì có lợi cho dân thì làm!” - Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thị Hiếu khẳng định.
Tuấn Sơn