Học giả Pavel Gudev, Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc IMEMO, nhấn mạnh, việc soạn thảo và ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý là yếu tố quan trọng để điều chỉnh ứng xử của các bên tranh chấp.
GS-TS Dmitri Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học, cho rằng Việt Nam có đóng góp lớn cho việc duy trì hòa bình ở khu vực này, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của ASEAN trên thế giới. Theo TS Dmitri Mosyakov, Việt Nam kiên trì đường lối giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, luôn ủng hộ việc sớm hoàn thành và thực thi COC. Ngoài ra, với chính sách đối ngoại đa phương, Việt Nam coi trọng việc hợp tác với các đối tác châu Á và các nước khác trên thế giới, qua đó tác động tích cực đến việc giảm bớt căng thẳng, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Những người tham dự hội thảo cũng chia sẻ quan điểm với TS Dmitri Mosyakov, nhấn mạnh đến chính sách nhất quán của Việt Nam giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).